Kế hoạch 1347/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 1347/KH-UBND
Ngày ban hành 17/04/2020
Ngày có hiệu lực 17/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1347/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 17 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 11/CT-TTG NGÀY 04/3/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19

Công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thời gian qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đã kịp thời thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan.

Tuy nhiên, dịch Covid“19 tiếp tục có diễn biến mới, phức tạp, khó lường; nhất là trong bối cảnh tình hình hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt trên địa bàn tỉnh, đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng kinh doanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, giáo dục, lưu thông, vận chuyển hàng hóa...; các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất như dệt may, nhân điều, chế biến tôm... gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió gặp khó khăn, giãn tiến độ, do gián đoạn nhập khẩu thiết bị.

Trước tình hình trên, để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh đồng thòi duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng. Chính phủ, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thông qua thực hiện kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ được đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương, các Thông báo số 801-TB/TU ngày 12/3/2020 và số 811-TB/TU ngày 17/3/2020 của Thường trực Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với đảm bảo công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh theo các kịch bản đã đề ra.

- Đề cao tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu, tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, phòng chống hạn hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt từ nay cho đến khi công bố hết dịch.

- Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

- Trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, giảm chi phí đầu vào, trách nhiệm các khoản phải đóng... nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại, cầm cự, vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng chống chịu trong thời gian có dịch và sớm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện thuận lợi trở lại. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử

a) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:

- Tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá cụ thể từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang vay vốn ngân hàng, để kịp thời có phương án cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước, nhất là đối với. các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh.

- Triển khai kịp thời gói hỗ trợ tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh; đặc biệt đối với lĩnh vực chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; tạo thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh; đẩy mạnh triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh có văn bản triển khai, hướng dẫn cụ thể đến các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ được biết, thực hiện kịp thời; đồng thời gửi UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo. Thời gian hoàn thành trước ngày 25/4/2020.

b) Giao Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh căn cứ quy định của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam triển khai, thực hiện việc gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay,... cho khách hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách gặp khó khăn do dịch bệnh.

c) Cục Thuế tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan triển khai ngay các các chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng quy định.

Yêu cầu Cục Thuế tỉnh có văn bản triển khai, hướng dẫn cụ thể đến từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ được biết, thực hiện kịp thời; đồng thời gửi UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo. Thời gian hoàn thành trước ngày 25/4/2020.

- Rà soát mức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có mức điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

d) Sở Tài chính rà soát, cân đối các khoản thu - chi ngân sách địa phương để có kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ kinh phí cho nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương, đảm bảo chủ động, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

[...]