Kế hoạch 1334/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023

Số hiệu 1334/KH-UBND
Ngày ban hành 05/06/2023
Ngày có hiệu lực 05/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1334/KH-UBND

Gia Lai, ngày 05 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021-2025;

Căn cứ Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Quyết định 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh về Sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023 (sau đây gọi tắt là Chương trình), cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2022

1. Đánh giá chung kết quả thực hiện Chương trình

Năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đây là một chính sách lớn với nhiều nội dung thành phần có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua một năm triển khai thực hiện, trong khi Trung ương chưa ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, song với sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình. UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình ở 3 cấp; Chủ động ban hành cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định tại địa phương; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích; tập trung vào nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tổ chức thực hiện nhằm phát huy tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực của Trung ương nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, đến nay một số nội dung hướng dẫn, quy định của một số Bộ, ngành Trung ương còn chưa đầy đủ, rõ ràng, một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện.

2. Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra năm 2022

Tại Kế hoạch 2281/KH-UBND ngày 09/10/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022 đã đề ra 25 chỉ tiêu thực hiện để đạt mục tiêu của Chương trình. Đến thời điểm hiện tại, kết quả thực hiện có 23/25 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh trong năm 2023.

2. Yêu cầu

Bám sát các nội dung đã được phê duyệt và căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong năm 2023.

Tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2023

- Về giảm nghèo: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là 3%.

- Về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư: Giải quyết khoảng 50% số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về hạ tầng: Phấn đấu đạt 99,43% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 98,95% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 86,6% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99,99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu 92% người đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và 90% đồng bào dân tộc thiểu số được nghe phát thanh.

- Về giáo dục - đào tạo: Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 97,7%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 96,1%, học trung học cơ sở đạt 90,3%, học trung học phổ thông 47,5%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 78,2%.

[...]