Kế hoạch 110/KH-UBND thực hiện nội dung số 01 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Số hiệu 110/KH-UBND
Ngày ban hành 30/05/2023
Ngày có hiệu lực 30/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Huỳnh Thị Diễm Ngọc
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 30 tháng 05 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NỘI DUNG SỐ 01 VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ, THUỘC TIỂU DỰ ÁN 2, DỰ ÁN 3, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 04/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng,

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế hoạch thực hiện nội dung số 01 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Chương trình), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Chỉ tiêu cụ thể: Hỗ trợ phát triển sản xuất cho khoảng 20 dự án, phương án phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng

a) Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

- Dự án, kế hoạch liên kết phải đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tham gia của các đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại khoản 5, Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP). Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, ấp, khóm đặc biệt khó khăn. Ưu tiên dự án, kế hoạch liên kết do doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, hoặc hợp tác xã có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.

- Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

b) Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng

Dự án phải đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tham gia của các đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại khoản 5, Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; trong đó, tỷ lệ tham gia dự án của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tối thiểu 70%. Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Ưu tiên dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.

2. Địa bàn

- Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Thực hiện trên các xã, ấp, khóm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, ấp, khóm đặc biệt khó khăn.

- Đối với phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng: Thực hiện trên các xã đặc biệt khó khăn, ấp, khóm đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Nội dung

Ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, trong đó:

- Đối với các địa phương có thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn để hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện, tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

+ Tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường.

+ Hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp và chuyển giao kỹ thuật.

+ Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

+ Hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối.

+ Đối với những địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có.

- Đối với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất.

[...]