Kế hoạch 1331/KH-UBND thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 1331/KH-UBND
Ngày ban hành 07/04/2023
Ngày có hiệu lực 07/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1331/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP PHÂN BỔ CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 4174/KH-UBND ngày 23/9/2022 về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; số 694/KH-UBND ngày 28/02/2023 về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 70/2022/QĐ-UBND ngày 06/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; số 68/QĐ-UBND ngày 28/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố kinh phí sự nghiệp (ngân sách trung ương bổ sung và ngân sách cấp tỉnh đối ứng) thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp từ nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

- Xác định cụ thể các nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới năm 2023 đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất, chất lượng và hiệu quả.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định nhiệm vụ, nội dung, mức hỗ trợ theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 70/2022/QĐ-UBND ngày 06/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan bảo đảm việc thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình có hiệu quả và đúng mục đích; đảm bảo người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn tỉnh Ninh Thuận được thụ hưởng các nội dung hỗ trợ của Chương trình đúng theo quy định pháp luật.

- Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới năm 2023 của các Sở, ban, ngành và địa phương.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới năm 2023.

II. NỘI DUNG HỖ TRỢ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nội dung hỗ trợ

a) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền (Nội dung thành phần số 02): Hỗ trợ tưới tiết kiệm nước

b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững (Nội dung thành phần số 03):

(1) Nội dung 1 - Tập trung triển khai khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái; phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội: Hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.

(2) Nội dung 2: Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp.

- Hỗ trợ thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án liên kết hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho tổ, nhóm, HTX, hộ nông dân tham gia vùng nguyên liệu; cấp mã vùng trồng; hỗ trợ chứng nhận VietGap,…

(3) Nội dung 4 - Triển khai Chương trình OCOP gắn với lợi thế vùng miền; phát triển TTCN, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị: Hỗ trợ các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP (phát triển sản phẩm, bao bì, nhãn mác; điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; tổ chức thi đánh giá phân hạng sản phẩm, chi giải thưởng).

(4) Nội dung 5 - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp: Hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các Hợp tác xã.

(5) Nội dung 8 - Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

(6) Nội dung 9 - Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn: Hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

[...]