Kế hoạch 133/KH-UBND về thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2020

Số hiệu 133/KH-UBND
Ngày ban hành 23/07/2020
Ngày có hiệu lực 23/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 133/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA VÀ ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2020

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam và hiện đang vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm,... Trong đó, Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc (là quốc gia khởi phát và bùng phát dịch COVID-19), ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch, Quảng Ninh còn được giao nhiệm vụ đón cư dân từ nước ngoài trở về qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đồng thời phải đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong tình hình mới, trong điều kiện lưu thông hàng hóa quốc tế vẫn gặp nhiều cản trở đo các chính sách hạn chế về xuất nhập khẩu giữa các quốc gia có quan hệ hợp tác với Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19;

2. Khuyến khích tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời phát huy vai trò của Nhà nước và các tổ chức có liên quan trong quản lý thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ nền sản xuất, môi trường kinh doanh hàng Việt Nam phát triển lành mạnh.

3. Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tiêu dùng trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong giai đoạn mới. Đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng của năm 2020, tạo nền tảng tốt cho những năm tiếp theo.

4. Tập trung đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng, đầu tư... để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với bối cảnh của đất nước, của khu vực và toàn cầu, đóng góp cho việc đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng năm 2020 nói chung và trong giai đoạn tình hình mới nói riêng.

5. Các nhiệm vụ triển khai cần gắn liền với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 trên các ngành, lĩnh vực kinh tế của Tỉnh, qua đó thúc đẩy và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng trong thực hiện “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

- Các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức thành viên, các ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ bám sát chủ trương, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh. Nâng cao vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong thực hiện các nhiệm vụ.

- Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Hàng năm rà soát và báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới gắn liền với thực tiễn của đơn vị, địa phương; phấn đấu nâng tầm mục tiêu của phong trào thành “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”.

- Ban Chỉ đạo và các ngành thành viên cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện các nội dung:

+ Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đến với người tiêu dùng...;

+ Thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

+ Phối hợp trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, chú trọng các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của tỉnh; các chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, các chương trình nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương...

2. Công tác tuyên truyền:

Phổ biến, quán triệt các quan điểm chỉ đạo, giải pháp nhiệm vụ và định hướng của Tỉnh về “Đồng hành với Doanh nghiệp” trong thực hiện Cuộc vận động; phát huy tối đa sức mạnh thông tin tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến địa phương; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động về Cuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, trong mọi loại hình cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, thôn, bản, khu phố, các địa điểm công cộng, trung tâm thương mại, các tuyến điểm du lịch... gắn kết với tên gọi chung “Tự hào hàng Việt Nam”; tập trung các nội dung:

- Tiếp tục quán triệt các Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kết luận số 75-KL/TU ngày 25/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 1485/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020.

- Tuyên truyền, hướng dẫn để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó vận động, khuyến khích người tiêu dùng tích cực sử dụng hàng Việt Nam, “nói không” với sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn VSTP, đồng thời tích cực giám sát, phát hiện và thông tin kịp thời đến Hội người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng về những hiện tượng xấu trên thị trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong tỉnh, trong nước, tiến tới sản xuất các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và là thành viên; đồng thời vận động người dân ủng hộ, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; tăng cường các kênh kết nối cung - cầu, liên kết giữa các nhà sản xuất - phân phối - tiêu dùng...; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

- Tuyên truyền, quán triệt đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhận thức đúng đắn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và tin tưởng vào chất lượng của hàng hóa Việt Nam; nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêu dùng hàng hóa do Việt Nam sản xuất đối với phát triển nền kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng; thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt đối với hàng Việt.

- Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, vận động các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ do mình cung cấp; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa tỉnh Quảng Ninh tại thị trường trong tỉnh mà còn từng bước vươn ra thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

- Xây dựng các chương trình truyền thông thường kỳ, chuyên mục để quảng bá giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, sản phẩn OCOP của tỉnh Quảng Ninh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, nhất là doanh nghiệp, HTX nhỏ và vừa, có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin trong và ngoài tỉnh. Tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích, tin dùng và bình chọn. Phản ánh kịp thời về các hành vi, đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua đường dây nóng quản lý thị trường tại các địa phương.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Chương trình và sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên địa bàn Trung tâm, khu đông dân cư, các chợ loại I, khu công nghiệp... các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh, thành trong nước.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ