Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2022 về tổng thể tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2022
Ngày có hiệu lực 09/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔNG THỂ TỔ CHỨC CHĂM SÓC SỨC KHỎE, PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI SAU MẮC COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Trong thời gian qua, cùng với số người mắc COVID-19 tăng cao, nhiều trường hợp sau mắc COVID-19 có các triệu chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, khả năng làm việc, lao động và cuộc sống của người bệnh sau mắc Covid-19.

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương;

Căn cứ Thông báo số 565-TB/TU ngày 13/4/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị ngày 12/4/2022;

Căn cứ Văn bản số 2055/BYT-KCB ngày 22/4/2022 của Bộ Y tế về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2527/TTr-SYT ngày 29/4/2022 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch tổng thể tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Nhằm chăm lo, phục hồi sức khỏe cho người sau mắc COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể như sau:

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ HẬU COVID-19

1. Định nghĩa: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức về những triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp phải sau quá trình điều trị khỏi COVID-19 là Hội chứng hậu COVID-19 (Post COVID-19 condition). Theo định nghĩa, “tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người trước đó đã nhiễm bệnh và các triệu chứng gặp phải kéo dài ít nhất 2 tháng kể từ lúc được xác định là khỏi bệnh và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.”

2. Biểu hiện: Ở bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có rất nhiều các triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Theo thống kê có khoảng từ 10-20% người sau mắc COVID-19 có tình trạng bệnh lý sau khi khỏi bệnh. Bệnh do SARS-CoV-2 gây ra có tác động, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, theo đó, các rối loạn, ảnh hưởng sau khi khỏi bệnh (tình trạng bệnh lý hậu COVID-19) cũng có biểu hiện ở đa cơ quan, thuộc nhiều chuyên khoa, chuyên ngành.

Các triệu chứng hậu COVID rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...

Nghiên cứu Quốc tế khái quát về đặc điểm lâm sàng hậu COVID-19 (năm 2021) cho thấy, các triệu chứng thường gặp nhất là[1]: Yếu (41%), khó chịu chung (33%), mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), suy giảm khả năng tập trung (26%), khó thở (25%), rụng tóc (25%) và chất lượng cuộc sống bị giảm sút khoảng 37% (18,4 đến 59,9%).

Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị “hậu COVID-19” với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan:

+ Nhóm triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần; Đau cơ hay đau khớp; Thay đổi giọng nói và Sốt.

+ Nhóm triệu chứng cơ quan hô hấp, tim mạch: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi; Ho kéo dài; Đau ngực.

+ Nhóm triệu chứng tâm thần kinh và nội tiết: Đau đầu, chóng mặt; suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác; Trầm cảm hoặc lo âu...

+ Triệu chứng tiêu hóa: đau dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng đại tràng.

- Do là vấn đề sức khỏe mới phát sinh, nên hiện nay, y học trên thế giới và tại Việt Nam chưa có các nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ, toàn diện về đại dịch COVID-19 cũng như những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tình trạng hậu COVID-19.

- Hiện nay, việc điều trị hậu COVID -19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc và phục hồi chức năng. Các triệu chứng hậu COVID-19 đa dạng, dai dẳng và kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nhằm chủ động đáp ứng với vấn đề sức khỏe mới phát sinh do đại dịch COVID-19 gây ra; tổ chức hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng kịp thời tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người có tiền sử nhiễm SASR-CoV-2, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người sau mắc COVID-19 cả về thể chất, tinh thần, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày.

2. Yêu cầu:

- Việc tổ chức triển khai công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người bệnh hậu COVID-19 đòi hỏi (1) có sự tham gia vào cuộc của các Sở, Ngành, địa phương, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân; (2) sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành và giữa các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã trên địa bàn, để đáp ứng với biểu hiện bệnh lý đa dạng thuộc nhiều chuyên khoa, chuyên ngành do hậu COVID-19 gây ra.

- Công tác tuyên truyền và tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người bệnh hậu COVID-19 đảm bảo (1) phù hợp với hướng dẫn chuyên môn, quy định hiện hành của Bộ Y tế, (2) không gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân.

- Các nội dung nhiệm vụ, giải pháp và công tác tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phải đảm bảo phù hợp với điều kiện nguồn lực của tỉnh, của các cơ quan, doanh nghiệp và kinh tế của người dân. Đặc biệt phải phù hợp với điều kiện số lượng, năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh đối với các bệnh lý do hậu COVID-19 gây ra của đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn hiện nay; hạn chế gây dàn trải nhân lực của các cơ quan, đơn vị nói chung, lực lượng y tế nói riêng, trong điều kiện phải tăng cường tập trung cho nhiều nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay.

- Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và sau mắc COVID-19 phải được triển khai sớm, bám sát theo các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2,...

[...]