Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2019 về quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản năm 2020 do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2019
Ngày có hiệu lực 13/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Khắc Thận
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Thái Bình, ngày 13 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NĂM 2020.

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG NĂM 2019

1. Kết quả thực hiện

Năm 2019, tỉnh Thái Bình tiến hành quan trắc 10 vùng nuôi thuỷ sản tập trung, gồm 06 vùng nuôi tôm nước lợ, 01 vùng nuôi tôm nhiễm mặn, 01 vùng nuôi cá rô phi thâm canh, 02 khu vực nuôi cá lồng trên sông thuộc 5 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Hưng Hà. Đơn vị quan trắc đã lấy 2.622 mẫu kiểm tra, phân tích 17 thông số, trong đó 05 thông số đo tại hiện trường (pH, nhiệt độ, độ trong, DO, tốc độ dòng chảy), 12 thông số được bảo quản, vận chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích (độ mặn, độ kiềm, NH3/NH4+, NO2-, H2S, PO43-, TSS, COD, vibrio tổng số, dieldrin, Cd), cụ thể:

Vùng nuôi tôm nước lợ quan trắc tại 06 vị trí cấp nước chung và 12 ao nuôi đại diện, thu 1.884 mẫu, phân tích 13 thông số, gồm độ mặn, pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan (DO), độ trong, NH3/NH4+, NO2-, H2S, COD, vibrio tổng số, dieldrin, Cd; Vùng nuôi tôm nhiễm mặn xã Hồng Tiến quan trắc 01 vùng cấp nước chung và 02 ao nuôi đại diện, thu 324 mẫu, phân tích 14 thông số, gồm độ mặn, pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan, độ trong, độ kiềm (KH), NH3/NH4+, NO2-, H2S, COD, vibrio tổng số, dieldrin, Cd; Vùng nuôi thâm canh cá rô phi xã An Ninh thu 92 mẫu, phân tích 10 chỉ tiêu, gồm pH, nhiệt độ, độ trong, ôxy hòa tan, NH3/NH4+, PO43-, H2S, TSS, dieldrin, Cd; Khu vực nuôi cá lồng trên sông quan trắc tại 02 điểm đầu và cuối khu vực nuôi xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ và xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, thu 320 mẫu, phân tích 08 chỉ tiêu, gồm tốc độ dòng chảy, pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan, NH3/NH4+, PO43-, H2S, TSS.

Kết quả kiểm tra, phân tích đối chiếu với các quy chuẩn, thông tư quy định về chất lượng nước mặt, nước nuôi trồng thủy sản (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT; QCVN 10-MT: 2015/BTNMT; QCVN 02-20: 2014/BNNPTNT; QCVN 02- 22:2015/BNNPTNT; QCVN 02-26:2017/BNNPTNT; QCVN 02-19:2014/BNNPTNT; Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT), cho thấy: Nhìn chung các thông số được quan trắc đều nằm trong ngưỡng phù hợp với điều kiện môi trường của từng đối tượng thủy sản nuôi; một số thông số như TSS, tốc độ dòng chảy, COD, vibrio tổng số ở một số vùng có biến động khác biệt vào thời gian quan trắc mưa, bão, lũ..., thông số vibrio tổng số tại khu vực cấp nước chung vùng nuôi tôm nước lợ một số thời điểm quan trắc vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,06 - 2,44 lần, chất rắn lơ lửng (TSS) tại khu vực cấp nước chung cá rô phi, nuôi cá lồng trên sông cao hơn từ 1,65-3,20 lần so với quy định, cao nhất là 64 mg/l vào ngày 03/9 tại điểm xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

Tỉnh đã chỉ đạo gửi 26 Bản tin thông báo kết quả quan trắc, căn cứ kết quả quan trắc, ban hành 15 công văn cảnh báo hướng dẫn các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh ảnh hưởng của môi trường đến thuỷ sản nuôi gửi các huyện, xã có vùng quan trắc thông báo hướng dẫn các hộ dân thực hiện; năm 2019 các vùng quan trắc không có thiệt hại do môi trường gây ra.

Đơn vị quan trắc đã triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, đảm bảo các nội dung, tiến độ, thông số, tần suất, phương pháp theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định khác có liên quan. Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản giúp cho các đơn vị liên quan chủ động trong công tác quản lý và hướng dẫn cảnh báo các biện pháp phòng tránh trong nuôi trồng thủy sản, giúp cho người nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng môi trường đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.

2. Thuận lợi và khó khăn

2.1. Thuận lợi

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

- Các hộ nuôi thủy sản đã có ý thức trong việc quản lý môi trường cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản.

- Đơn vị quan trắc thông báo kết quả quan trắc được kịp thời để cảnh báo sớm theo quy định.

2.2. Khó khăn

- Một số thông số môi trường chưa có quy định riêng cho từng đối tượng nuôi.

- Kinh phí thực hiện còn hạn chế nên chưa quan trắc hết được các vùng nuôi thủy sản tập trung của tỉnh.

II. KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG NĂM 2020

1. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Luật Thủy sản số 18/2017/QH14;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

- Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường;

- Quyết định số 5204/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt Dự án Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản;

- Công văn số 8625/BNN-TY ngày 18/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

2. Mục đích, yêu cầu

2.1. Mục đích

Quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.

2.2. Yêu cầu

[...]