Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 44/KH-UBND về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên năm 2023

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2023
Ngày có hiệu lực 28/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Tấn Hổ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Phú Yên, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG CÁC VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CỦA TỈNH NĂM 2023

Căn cứ Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 21/9/2017 của HĐND tỉnh về ban hành quy định mức chi công tác phí, mức chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT về chất lượng nước biển; QCVN 43: 2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng trầm tích; QCVN 02-19: 2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm; các Quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tương ứng khi thực hiện thư mẫu, bảo quản, phân tích các thông số theo hướng dẫn tại Quyết định số 513/QĐ-TCTS-NTTS ngày 28/12/2021 của Tổng cục Thủy sản.

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG CÁC VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CỦA TỈNH NĂM 2022.

I. TÌNH HÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022.

1. Diện tích ao, đìa, số lượng lồng, bè NTTS:

Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2022 ước đạt 2.676 ha (trong đó tôm nước lợ đạt 2.160 ha tăng 2,28% so với cùng kỳ (tôm sú 260 ha tăng 0,04%; tôm thẻ chân trắng 1.900 ha tăng 2,59%), cá các loại đạt 276 ha tăng 1,66%; thủy sản khác đạt 240 ha tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tổng số lồng, bè NTTS khoảng: 112.379 lồng tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó huyện Tuy An là là 14.555 lồng (tôm hùm ương: 12.950 lồng, cá biển 1.590 lồng, ốc hương 15 lồng) giảm 0,7% so với cùng kỳ; thị xã Đông Hòa là 16.852 lồng tôm hùm thịt tăng 2,2% so với cùng kỳ; thị xã Sông cầu 80.972 lồng (tôm hùm ương là 14.000 lồng, tôm hùm thịt là 58.695 lồng, cá biển 495 lồng) cao hơn 2,4 lần so với quy hoạch và tăng 24,6% so với cùng kỳ.

2. Sản lượng thủy sản nuôi trồng:

Sản lượng NTTS khoảng 12.426 tấn tăng 57,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá 1.309 tấn tăng 41,6%; sản lượng tôm 10.533 tấn tăng 57,8% (tôm thẻ chân trắng 8.219 tấn, tôm sú 248 tấn, tôm hùm 2.066 tấn), thủy sản khác 585 tấn.

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VÀ THIỆT HẠI DO MÔI TRƯỜNG TRONG NTTS.

1. Tôm nuôi nước lợ: Bệnh xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Đến tháng 12/2022, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh 103,54 ha; chiếm tỷ lệ gần 5% so với diện tích thả nuôi (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp 97,69 ha (Tuy An: 5,55 ha; Đông Hòa: 91,8ha; Sông Cầu: 0,34 ha); đốm trắng 5,85 ha (Tuy An: 5,45ha; Sông Cầu: 0,4ha).

2. Các đối tượng thủy sản khác: Ngày 10/8/2022, tôm hùm, cá biển nuôi tại khu vực Đám Đàn, thuộc vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên có hiện tượng chết đột ngột với số lượng ước tính 29.240 con tôm hùm các loại/200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại/185 lồng nuôi (chủ yếu là cá mú và cá chẽm). Tôm, cá bị chết với các loại kích cỡ khác nhau. Nhận định nguyên nhân: Trong thời gian cơn bão số 2 xuất hiện làm xáo trộn tầng đáy cộng thêm trầm tích hữu cơ tích tụ lâu năm do chất thải của hoạt động nuôi trồng nên các loại khí độc ở tầng đáy thoát ra, tảo độc phát triển từ đó gây cho tôm, cá bị chết đột ngột vì thiếu oxy, ngạt khí độc.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG CÁC VÙNG NTTS.

Nhằm chủ động quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng NTTS tại một số vùng nuôi chính của tỉnh, giảm thiệt hại cho người dân UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 25/02/2022 về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng NTTS của tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng NTTS của tỉnh năm 2022. Trong năm 2022 Chi cục Thủy sản đã thực hiện 25 đợt thu mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường nước NTTS tại các vùng NTTS trọng điểm trên địa bàn thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và huyện Tuy An. Trong đó 23 đợt thu mẫu định kỳ/24 đợt theo kế hoạch và 2 đợt thu mẫu đột xuất. Tổng số mẫu nước được thu định kỳ là 165 mẫu (trong đó có 6 mẫu đột xuất gồm 02 mẫu nước cấp và 02 mẫu nước ao đại diện nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã Đông Hòa, 02 mẫu nước nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu). Tổng số mẫu trầm tích thu được là 09 mẫu (đầm Cù Mông 03 mẫu, vịnh Xuân Đài 06 mẫu).

Kết quả quan trắc được thông tin trực tiếp đến cán bộ phụ trách thủy sản địa phương, người NTTS bằng văn bản hướng dẫn, tin nhắn qua điện thoại (khoảng 1.000 số điện thoại gồm các hộ dân và cán bộ phụ trách thủy sản của địa phương).

Đã tổ chức 02 buổi Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính, các biện pháp xử lý về môi trường, dịch bệnh trong NTTS tại xã Xuân Lộc và phường Xuân Yên. Kết quả có 50 đại biểu tham dự.

Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản

Hoạt động quan trắc môi trường đã được triển khai khá kịp thời trong vụ nuôi chính, thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh được truyền tải trực tiếp đến người nuôi qua hệ thống tin nhắn và các phương tiện truyền thông khác, giúp giảm thiểu nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh và sự cố môi trường trên thủy sản nuôi. Tình trạng thủy sản nuôi bị thiệt hại do môi trường giảm về số đợt và số lượng. Trong năm chỉ xảy ra 01 đợt tôm hùm, thủy sản nuôi chết tại Xuân Yên.

Những tồn tại, hạn chế:

- Môi trường các vùng NTTS tập trung vẫn bị ô nhiễm, một số thông số như DO, N-NH4+ và P-PO4-3 vẫn thường xuyên vượt ngưỡng cho phép đối với thủy sản nuôi.

- Năm 2022, số lượng mẫu và tần suất quan trắc thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nguyên nhân:

- Do hầu hết vùng nuôi hạ tầng xuống cấp, không có ao lắng, xử lý nước cấp, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt, sử dụng nước cấp trực tiếp từ bên ngoài vào ao nên khó kiểm soát chất lượng môi trường.

- Công tác quản lý lồng bè NTTS ở các đầm, vịnh còn bất cập, tình trạng lồng bè nuôi phát triển tự phát vẫn còn, chưa giải tỏa được lồng bè dôi dư, chưa sắp xếp NTTS lồng bè theo quy hoạch.

[...]