Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 23/05/2024
Ngày có hiệu lực 23/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển hợp tác xã và theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm;

2. Sản xuất trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, nông nghiệp chính xác phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên.

3. Phát triển các cây trồng lợi thế của vùng gắn công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Thực hiện bảo tồn giống cây trồng đặc sản, bảo vệ di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, tích hợp đa giá trị sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm.

- Đảm bảo tưới chủ động trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, 100% vùng sản xuất tập trung được đầu tư hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu.

- Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương dương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%.

- Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 200 triệu đồng.

- 100% diện tích trồng trọt trong vùng sản xuất tập trung được thiết lập mã vùng trồng

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu đến năm 2050 trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN

1. Định hướng chung

- Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và gắn kết hiệu quả các thành phần trong chuỗi giá trị.

- Phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Hướng sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt đầu ra của tiểu ngành này thành đầu vào chất lượng của tiểu ngành khác nhằm khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế chất thải, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

- Nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường. Bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển giống cây trồng bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, sản xuất cung ứng hạt giống cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

- Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh giống cây trồng, tiếp tục quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển các chương trình IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng; kiểm soát tổn thất sau thu hoạch do sinh vật hại kho gây nên; bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.

- Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là đất, nước theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát mức độ suy thoái đất, duy trì bảo vệ độ phì đất, tối ưu hóa các mục đích sử dụng đất nông nghiệp; bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tạo nguồn, tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ nông nghiệp.

- Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực.

- Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Phát triển và áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất nông sản cả về số lượng, chất lượng và gia tăng giá trị, nhất là công nghệ bảo quản lạnh.

- Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt. Xây dựng và phát triển thương hiệu một số nông sản chủ lực có lợi thế và khác biệt. Hình thành một số thị trường mở rộng chuỗi giá trị ngành trồng trọt.

[...]