Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2011 về phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 13/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2011
Ngày có hiệu lực 19/02/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/KH-UBND

Huế, ngày 19 tháng 02 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 9/6/2006 của Chính phủ về Thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 -2015;

Thực hiện Công văn số 7148/BCT-TMĐT ngày 20/7/2010 của Bộ Công Thương về việc xây dựng kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2011-2015; Công văn số 7798/BCT-TMĐT ngày 04/8/2010 của Bộ Công Thương về xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2011-2015 và năm 2011 và Phụ lục hướng dẫn xây dựng Kế hoạch kèm theo;

Trên cơ sở kết quả phát triển thương mại điện t (TMĐT) đã đạt được trong giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN TMĐT

1. Tình hình phát triển thương mại điện tử tại địa phương

Giai đoạn 2006-2010, cùng với sự phát triển TMĐT của cả nước, Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực phát triển thương mại điện tử tại địa phương. Thông qua các chương trình tuyên truyền phổ biến, đào tạo tập huấn những kiến thức cơ bản về TMĐT và các chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT đã giúp cho các doanh nghiệp thấy được lợi ích do TMĐT mang lại và đã đưa các ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm thay đổi nhận thức kinh doanh theo hướng tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3000 doanh nghiệp, trong đó đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; số lượng doanh nghiệp có kết nối Internet thường xuyên khoảng 90% và có khoảng từ 10% - 12% doanh nghiệp có website riêng. Căn cứ mục tiêu về phát triển TMĐT giai đoạn 2006 - 2010 (theo Kế hoạch 54/KH-UBND) kết quả đạt được như sau:

- Số doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm từ 50%-60% đạt trên 92% kế hoạch, số doanh nghiệp vừa và nhỏ biết lợi ích của thương mại điện tử và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm khoảng 60% đạt 75% kế hoạch, số hộ gia đình có kết nối Internet ước khoảng từ 2-3% và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) hoặc người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C) chiếm 5-7% đạt 60% kế hoạch phn đấu. Chủ yếu là giao dịch: thư điện tử, tìm kiếm thông tin trên các website, diễn đàn, rao vặt.

- Có khoảng 0,2 - 0,5% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến như www.thitruonghue.com;www.nonbaitho.info: ngân hàng Đông Á, Techcombank,...

2. Những thuận lợi, khó trong việc phát triển thương mại điện tử

a) Những thuận lợi:

Năm 2011, nền kinh tế nước ta có những thuận lợi căn bản, đó là những thành tựu to lớn của 25 năm đổi mới đất nước; cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã hình thành, ngày càng hoàn thiện; năng lực của nền kinh tế và hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường. Sau thời gian bị suy giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã phục hồi nhanh và đang dần lấy lại đà tăng trưởng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Hệ thống pháp lý về thương mại điện tử khá hoàn chỉnh. Thị trường bán lẻ tại Việt Nam phát triển sôi động, môi trường kinh doanh và nhu cầu giao dịch hiện đại đang dần hình thành và phát triển nhanh chóng. Hệ thống hạ tầng về Công nghệ thông tin, Viễn thông và Hệ thống ngân hàng có bước tiến vượt bậc trong thời gian vừa qua tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tiếp theo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV với mục tiêu tiếp tục định hướng cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp- Nông nghiệp, cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tạo lập môi trường kinh doanh hiện đại mà trong đó việc phát triển thương mại điện tử đóng vai trò then chốt, là công cụ có hiệu quả thiết thực nhằm phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV đề ra, góp phần tích cực xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

b) Khó khăn:

Nhận thức của doanh nghiệp về ứng dụng TMĐT còn hạn chế. Việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực phục vụ cho việc ứng dụng TMĐT chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Đa số doanh nghiệp vẫn duy trì thói quen kinh doanh thương mại truyền thống, chưa tận dụng tối đa các ứng dụng CNTT phục vụ việc hoạt động giao dịch mua bán qua mạng.

Công tác đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên trách thương mại điện tử chưa được quan tâm bồi dưỡng nên việc tư vấn, hỗ trợ kiến thức về TMĐT tại các doanh nghiệp chưa được thực hiện...

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Thương mại điện tử được ứng dụng trong tất cả các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

- Tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với môi trường kinh doanh hiện đại, phát triển văn minh thương mại, góp phần thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa để sớm đưa Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

2. Mục tiêu cụ thể

Căn cứ theo mục tiêu phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình thực tế ứng dụng TMĐT trong giai đoạn 2006-2010, mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 được thống nhất như sau:

a) Đảm bảo 100% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của thương mại điện tử.

[...]