Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 69/NQ-CP và Kế hoạch 85-KH/TU thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW đối mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 129/KH-UBND
Ngày ban hành 29/06/2024
Ngày có hiệu lực 29/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Bình Định, ngày 29 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 69/NQ-CP NGÀY 11/5/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 85-KH/TU NGÀY 30/01/2024 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW NGÀY 20/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỐI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày11/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đối mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (gọi tắt là Nghị quyết 69/NQ-CP), Kế hoạch số 85-KH/TU ngày 30/01/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đối mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (gọi tắt là Kế hoạch 85-KH/TU); Ủy ban nhân dân  tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và nông dân toàn tỉnh trong triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 69/NQ-CP và Kế hoạch 85-KH/TU.

- Cụ thể hoá các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp để các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 85-KH/TU.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 69/NQ- CP và Kế hoạch 85-KH/TU phải gắn với thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 18- CTr/TU ngày 21/02/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Bình Định; Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 06/01/2023 về thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.

- Quá trình thực hiện phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá theo định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao chủ động tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, chỉ đạo thực hiện

Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 69/NQ- CP và Kế hoạch 85-KH/TU gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh uỷ và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất là: Quyết định số 3811/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 3344/QĐ-UBND ngày 09/9/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 21/02/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày  22/02/2023 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 06/01/2023 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân

a) Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho hội viên, nông dân, nhất là chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính sách an sinh xã hội, mô hình hay, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuyên truyền, động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

b) Đa dạng hoá và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, vận động để hội viên, nông dân thấy rõ quyền, lợi ích trong tham gia tổ chức Hội; gắn công tác tuyên truyền, vận động với giải quyết lợi ích thiết thân, tạo điều kiện để tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi sản xuất,… cho hội viên, nông dân trong hoạt động của hội, nhất là sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ ở cơ sở.

c) Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật, mô hình hay, mô hình kiểu mẫu, tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan truyền thông của Hội nông dân các cấp. Đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa hội với hội viên, nông dân thông qua Internet, mạng xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho hội viên, nông dân.

d) Phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông"; phát động phong trào "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hoạt động "Nhà nông sáng tạo", "Nhà nông đua tài" để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đơn vị thực hiện: Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

a) Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh củng cố tổ chức hội nông dân các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ hội bảo đảm về số lượng, chất lượng, đủ điều kiện và năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu, có kinh nghiệm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương.

Đơn vị thực hiện: Sở Nội vụ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các Sở, ngành, địa phương liên quan.”.

b) Phối hợp, kiểm tra, rà soát trình cấp thẩm quyền bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc để các cấp hội có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Đơn vị thực hiện: Sở Tài chính phối hợp Hội Nông dân tỉnh và các Sở, ngành liên quan.

4. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

a) Khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề theo nhu cầu thị trường và nâng cao trình độ chuyên môn gắn với nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp trong xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề cho nông dân.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, quản trị (tài chính, nhân sự), nâng cao trình độ kỹ năng (làm việc theo nhóm, thương thảo đàm phán, xây dựng kế hoạch…), hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ.

[...]