Kế hoạch 1254/KH-BGDĐT năm 2021 thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1254/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 26/11/2021
Ngày có hiệu lực 26/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1254/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VÌ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2021-2030 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành Giáo dục với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và mối quan hệ xã hội, phát huy tối đa tiềm năng của trẻ; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin, các dịch vụ xã hội và tham gia các hoạt động xã hội của trẻ em giữa các vùng miền, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021-2025.

- Chỉ tiêu số 1: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh cho trẻ em vào năm 2025, trong đó có 85% nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh.

- Chỉ tiêu số 2: Phấn đấu có ít nhất 35% trẻ em nhà trẻ và 95% trẻ em mẫu giáo trong cơ sở giáo dục mầm non được tiếp cận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện.

- Chỉ tiêu số 3: Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99.1%.

- Chỉ tiêu số 4: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,12%.

- Chỉ tiêu số 5: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở 88% phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,14%.

- Chỉ tiêu số 6: Phấn đấu 95% số cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em.

- Chỉ tiêu số 7: Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với trẻ em khuyết tật đạt 55%. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80%.

2.2. Giai đoạn 2025 - 2030.

- Chỉ tiêu số 1: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh cho trẻ em vào năm 2030, trong đó có 95% nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh.

- Chỉ tiêu số 2: Phấn đấu có ít nhất 40% trẻ em nhà trẻ và 97% trẻ em mẫu giáo trong cơ sở giáo dục mầm non được tiếp cận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện.

- Chỉ tiêu số 3: Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99.3%.

- Chỉ tiêu số 4: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 99% phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,1%.

- Chỉ tiêu số 5: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở 93% phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,05%.

- Chỉ tiêu số 6: Phấn đấu 100% số cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em.

- Chỉ tiêu số 7: Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với trẻ em, sinh viên khuyết tật đạt 60%. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 90%.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện các chỉ tiêu của Kế hoạch

a) Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lí đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch thông qua việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm về công tác giáo dục trẻ em; lồng ghép các chỉ tiêu về giáo dục trẻ em trong các chương trình, đề án, dự án và xác định cụ thể cơ chế, nguồn lực để thực hiện có hiệu quả.

b) Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra đánh giá ở các cơ sở giáo dục phổ thông: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu.

c) Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/01/2018, các quy định pháp luật.

[...]