Kế hoạch 124/KH-BGDĐT thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các nhà trường năm 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 124/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 25/03/2010
Ngày có hiệu lực 25/03/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Trần Quang Quý
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 124/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ, PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM, TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG CÁC NHÀ TRƯỜNG NĂM 2010

Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-BCĐ138/CP ngày 24/02/2010 của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các nhà trường năm 2010 với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong các nhà trường, đặc biệt là vào thời điểm nước ta tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm các ngày lễ lớn khác trong năm 2010.

b. Kiềm chế, làm giảm dần việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi cơ bản tệ nạn ma túy trong cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Phòng, chống hiệu quả hành vi bạo lực trong các nhà trường và các hành động tự phát của học sinh, sinh viên làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

a. Phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể, huy động toàn thể lực lượng trong các nhà trường tích cực tham gia phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương và gia đình học sinh, sinh viên.

b. Chủ động phòng ngừa, phối hợp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong học sinh, sinh viên và tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học.

c. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên, tự giác, tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh, trật tự nhà trường:

a. Thông tư số 31/2009/TT-BGDĐT ngày 23/10/2009 ban hành Quy định về công tác phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

b. Thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT/BGDĐT-BCA ngày 20/11/2009 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch hoạt động chống phá Nhà nước. Quản lý, giáo dục để học sinh, sinh viên không tham gia tụ tập đông người trái với quy định của pháp luật.

3. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên, đặc biệt chú trọng các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy, các quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên; Chú trọng đổi mới hình thức giáo dục, tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên.

4. Tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên. Các nhà trường cần có biện pháp kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết đi chơi, tham gia đánh nhau và vi phạm tệ nạn xã hội. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo, các hành vi bạo lực trong trường học.

5. Chủ động phối hợp với địa phương, các tổ chức đoàn thể, gia đình học sinh, sinh viên, đặc biệt là lực lượng công an trong việc quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian không học tập tại trường, ngăn chặn, đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.

6. Phối hợp chỉ đạo đổi mới hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học. Đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong trường học; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích nhằm thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia để tránh xa tệ nạn xã hội.

7. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong học sinh, sinh viên nhằm hưởng ứng các đợt cao điểm về tấn công, trấn áp tội phạm nhân dịp tổ chức các sự kiện chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đợt cao điểm về phòng chống ma túy nhân kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống ma túy (26/6/2010) do Thủ tướng Chính phủ phát động.

8. Tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2010; tổng kết công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học giai đoạn 2006 - 2010:

a. Các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tổ chức tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/9/2010.

b. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2010 và tổng kết công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học giai đoạn 2006 - 2010 vào tháng 11/2010.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào nội dung tại Kế hoạch này, yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng (Giám đốc) các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện.

2. Thường trực Ban Chỉ đạo 138 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Công tác học sinh, sinh viên) phối hợp với Bộ Công an tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và triển khai thực hiện Kế hoạch này tại một số sở giáo dục và đào tạo, nhà trường (thời gian tiến hành từ tháng 4/2010 đến tháng 9/2010). Các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện, kịp thời phát hiện, khen thưởng những cách làm hay, hiệu quả và xử lý, chấn chỉnh các vi phạm.

3. Các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo học kỳ, năm học và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu việc thực hiện Kế hoạch này tại cơ quan, trường học của mình.

[...]