Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2017 xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (DDCI)

Số hiệu 123/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2017
Ngày có hiệu lực 08/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ UBND CẤP HUYỆN, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN (DDCI)

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 13/CTr-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 04/7/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 31/5/2017 của UBND tỉnh về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai DDCI với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện khảo sát chính thức năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh sử dụng bộ công cụ DDCI .

- Tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

- Trên cơ sở đó đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong năm 2017, nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

2. Yêu cầu

- Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương thích các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh và có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.

- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch để báo cáo lãnh đạo tỉnh; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả khảo sát thí điểm năm 2017 là cơ sở để mở rộng các phạm vị khảo sát đánh gía các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Lạng Sơn năm 2018.

- Kết quả khảo sát, điều tra là một trong những căn cứ để xem xét, so sánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Phương pháp thực hiện: Khảo sát qua hòm thư độc lập dựa trên việc chọn mẫu phân tầng theo các tiêu chí đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Lạng Sơn. Phương pháp khảo sát qua thư sẽ được hỗ trợ bằng các kênh bổ sung như điện thoại, internet, và thực địa sao cho tỷ lệ hồi đáp đạt mức tối ưu.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến

- Các Sở, Ban: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

- Các ngành: Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh.

- Các huyện: Thành phố Lạng Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng.

3. Phạm vi khảo sát

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

- Số lượng dự kiến: khảo sát khoảng 1000 - 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

4. Nội dung khảo sát lấy ý kiến

- Các chỉ số thành phần của DDCI của năm 2017 gồm:

+ Tính minh bạch và tiếp cận thông tin;

+ Tính năng động của lãnh đạo;

+ Chi phí thời gian;

[...]