Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 12/09/2019
Ngày có hiệu lực 12/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 12 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 49-KL/TW NGÀY 10/5/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 11-CT/TW NGÀY 13/4/2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Công văn số 3724-CV/TU ngày 05/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 752/TTr-SGDĐT ngày 30/8/2019; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 49- KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (viết tắt là Kết luận số 49-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học (KH), khuyến tài (KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) (viết tắt là Chỉ thị số 11-CT/TW) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với những nội dung cụ thể sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền địa phương đối với công tác KH, KT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác KH, KT, xây dựng XHHT là một lĩnh vực quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục ở địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Từng bước tiến hành xây dựng và nhân rộng thành công mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” ở cơ quan, đơn vị, ở cấp huyện, cấp tỉnh; tiến tới xây dựng mô hình “Huyện học tập”, “Tỉnh học tập” giai đoạn 2021-2030 theo các tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Yêu cầu

- Xác định xây dựng XHHT là một nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Vì vậy, phải quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương KH, KT, xây dựng XHHT nhằm xây dựng một XHHT, từng bước nâng cao dân trí của toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu học tập của thời kỳ mới (thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0).

- Triển khai công tác KH, KT, xây dựng XHHT bằng nhiều hình thức, thiết thực, hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, phong trào quần chúng đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

- Triển khai công tác KH, KT, xây dựng XHHT phải được thực hiện một cách thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, phải xây dựng kế hoạch từng năm, từng giai đoạn; có đánh giá, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng; có thông tin báo cáo.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TW; Kết luận số 49-KL/TW, Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 20/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KH, KT, xây dựng XHHT (viết tắt là Chỉ thị số 03-CT/TU) và Công văn số 3724-CV/TU ngày 05/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng để nhận thức sâu sắc toàn diện về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác KH, KT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 11/4/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “xây dựng xã hội học tập” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (viết tắt là Quyết định số 485/QĐ-UBND); Kế hoạch số 7500/KH-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (viết tắt là Kế hoạch số 7500/KH-UBND).

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan hành chính, tổ chức đoàn thể quán triệt nội dung Kết luận số 49-KL/TW, Chỉ thị số 03-CT/TU, Công văn số 3724-CV/TU ngày 05/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

b) Hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 485/QĐ-UBND, Kế hoạch số 7500/KH-UBND.

c) Rà soát, bổ sung kế hoạch thực hiện “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể:

c.1) Về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:

- 94% người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 2.

- 90% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ trở lại.

- 70% xã, phường, thị trấn và 50% huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

- 90% xã, phường, thị trấn và 80% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

- 90% xã, phường, thị trấn và 70% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

c.2) Về nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ

- 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, 90% người lao động trong doanh nghiệp, 50% người dân biết sử dụng máy vi tính.

- 40% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3.

c.3) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

[...]