Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 121/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Nam Định, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025”; UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát hiệu quả bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng vi rút LMLM từ bên ngoài vào tỉnh; xây dựng thành công các cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cấp huyện hoặc liên huyện, tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh; góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 - 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020.

- Xây dựng thành công và duy trì ít nhất 50 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc ATDB đối với bệnh LMLM.

- Xây dựng thành công ít nhất 01 vùng ATDB cấp huyện hoặc liên huyện đối với bệnh LMLM.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút LMLM từ bên ngoài vào tỉnh

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật từ bên ngoài vào tỉnh.

2. Phòng bệnh bằng vắc xin LMLM

a) Tiêm phòng theo kế hoạch

- Thời gian tiêm phòng: Bảo đảm 2 lần tiêm phòng trong năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng; lần 1 từ tháng 3 đến tháng 4 và lần 2 từ tháng 9 đến tháng 10. Ngoài 2 đợt tiêm chính phải tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh trước và sau các đợt tiêm phòng chính, bảo đảm tiêm vắc xin cho tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm phòng.

- Đối tượng tiêm phòng: Tập trung tiêm phòng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống (các loại gia súc khác tiêm phòng khi có dịch bệnh xảy ra thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y).

- Loại vắc xin: Thực hiện theo hướng dẫn, khuyến cáo hằng năm của Cục Thú y. Trong đó, lưu ý thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, chuồng trại trước và sau khi tiêm phòng.

b) Tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra: Cơ quan chuyên ngành thú y xác định phạm vi, loại gia súc, loại vắc xin tiêm phòng tùy theo chủng vi rút gây bệnh và mức độ lây lan của dịch bệnh.

3. Giám sát bệnh LMLM

a) Giám sát lâm sàng (giám sát bị động)

- Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc trong suốt quá trình nuôi; nếu gia súc có biểu hiện của bệnh LMLM phải báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y các cấp để tổ chức điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu của gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xét nghiệm xác định chủng vi rút gây bệnh LMLM từ đó tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và sử dụng chủng loại vắc xin phù hợp.

b) Giám sát lưu hành vi rút (giám sát chủ động)

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút LMLM trên địa bàn tỉnh để cảnh báo, đánh giá tương đồng vắc xin làm căn cứ lựa chọn chủng loại vắc xin cho phù hợp và hiệu quả.

c) Giám sát sau tiêm phòng

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng bệnh để đánh giá hiệu quả sử dụng vắc xin LMLM tại địa phương.

4. Xây dựng cơ sở, vùng ATDB đối với bệnh LMLM

[...]