Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2023 về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 17/01/2023
Ngày có hiệu lực 17/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 17 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG CƠ GIỚI HOÁ NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2022

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh, nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được đưa vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới sản xuất tăng nhanh trong một số khâu sản xuất nông nghiệp, cụ thể:

1.1. Lĩnh vực trồng trọt

Hiện nay, số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch (có trên 2.122 máy cày, 3.838 máy xới các loại, 1.620 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng - phun xịt, 1.580 trạm bơm, khoảng 98 máy cấy, 510 lò sấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và 8.481 hệ thống tưới ...). Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp của Tỉnh được nâng lên, cụ thể:

a. Đối với cây lúa:

- Khâu làm đất: cơ giới hoá 100% diện tích đất có nhu cầu làm đất.

- Khâu gieo sạ, cấy: có 88,87% diện tích gieo sạ lúa bằng máy (kể cả công cụ sạ hàng, máy cấy).

- Khâu chăm sóc: 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng Trạm bơm điện hoặc máy dầu; có 100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; có 60% diện tích phun phân bằng máy.

- Khâu thu hoạch: có 100% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy.

- Khâu sấy: sản lượng lúa qua sấy chiếm 90% (do đa phần nông dân bán lúa tươi tại ruộng).

b. Đối với cây rau, màu

- Khâu làm đất: Tỷ lệ diện tích làm đất bằng cơ giới, đạt 68%.

- Khâu tưới tiêu: 68,85% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy.

- Khâu chăm sóc: có 85% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy.

c. Đối với cây ăn trái

- Khâu làm đất: cơ giới hoá từ 80-90% trong việc lên líp xây dựng vườn.

- Khâu tưới tiêu: 57,8% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy.

- Khâu chăm sóc: phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy chiếm 80% diện tích.

1.2. Lĩnh vực chăn nuôi

- Hiện nay, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Người chăn nuôi chưa quan tâm đầu tư cơ giới hóa trong chăn nuôi. Chỉ một số ít trang trại chăn nuôi có đầu tư cơ giới hóa một số công đoạn như: vệ sinh chuồng trại, cho ăn, cho uống…

- Toàn tỉnh hiện có 95,07% là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chưa áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi. Còn lại 4,93% là chăn nuôi trang trại (trong đó, quy mô nhỏ chiếm 4,56%, quy mô vừa chiếm 0,36% và quy mô lớn là 0,02%) có thể áp dụng cơ giới hóa một phần hay đồng bộ.

1.3. Lĩnh vực thuỷ sản

- 100% diện tích ao nuôi được xử lý bùn bằng cơ giới.

- Trên địa bàn Tỉnh có 01 doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm (gồm 3 vùng nuôi với diện tích 21 ha) thực hiện công nghệ cho ăn tự động nhằm giảm chi phí sản xuất.

[...]