Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Thái Bình đến năm 2020 theo Quyết định 2596/QĐ-TTg và Quyết định 2187/QĐ-TTg

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2015
Ngày có hiệu lực 09/03/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Cao Thị Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Thái Bình, ngày 09 tháng 03 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2596/QĐ-TTG NGÀY 27/12/2013 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 2187/QĐ-TTG NGÀY 05/12/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2187/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện ma túy (gọi tắt là điều trị nghiện) nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm và kiềm chế lây nhiễm HIV/AIDS, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân;

- Giúp, tạo điều kiện để cho người nghiện dễ tiếp cận các cơ sở tư vấn, điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng; hỗ trợ về tâm lý, y tế, dạy nghề, giới thiệu việc làm... nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy để người nghiện và người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

2. Yêu cầu

- Giảm dần điều trị nghiện bắt buộc, chuyển dần từ cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với lộ trình phù hợp.

- Thống nhất nhận thức nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

- Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án.

- Đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

II. MỤC TIÊU

- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.

- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

Lộ trình đến năm 2020:

- Nâng số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị từ 37,1 % năm 2014 lên trên 70% trong năm 2015, trong đó bao gồm cả điều trị thay thế bằng Methadone. Giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại trung tâm từ 26,1% hiện nay (số được điều trị bắt buộc tại Trung tâm/số được điều trị tổng thể bao gồm cả điều trị thay thế bằng Methadone năm 2014) xuống còn 20% vào năm 2015.

- Nâng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 50% vào năm 2015.

- Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 70% vào năm 2015 lên 90% vào năm 2020 trong đó, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm từ 20 % vào năm 2015 xuống còn 5% vào năm 2020.

- Nâng tỷ lệ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 50% vào năm 2015 lên 70% vào năm 2020.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện

1.1. Cơ sở công lập.

- Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Thành phố nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác điều trị nghiện. Trong đó sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ để bảo đảm các điều kiện theo quy định về điều trị nghiện;

+ Năm 2015: chuyển đổi 30% công suất của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, 70% công suất của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Thành phố sang điều trị nghiện tự nguyện;

+ Từ 2016 - 2020: chuyển đổi 80% công suất của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh sang điều trị nghiện tự nguyện; 100% công suất của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Thành phố sang điều trị nghiện tự nguyện.

- Rà soát các cơ sở y tế có thể tham gia công tác điều trị nghiện tự nguyện, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị nghiện tự nguyện. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 10 cơ sở tham gia điều trị nghiện tự nguyện.

1.2. Cơ sở dân lập:

[...]