Kế hoạch 116/KH-UBND-UBMTTQ năm 2017 về thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 116/KH-UBND-UBMTTQ
Ngày ban hành 27/11/2017
Ngày có hiệu lực 27/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân,Phan Mộng Thành
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UBND - UBMTTQVN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND-UBMTTQ

Cà Mau, ngày 27 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP 90 VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2017-2020

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 26/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, về việc đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về việc vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2358/QĐ-BYT ngày 07/6/2016 của Bộ Y tế, về việc ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017- 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

Nâng cao trách nhiệm, nhận thức và hoạt động của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhằm đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn quy định; góp, phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm.., hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh sự chng chéo hoặc bỏ sót đối tượng kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, vận động về an toàn thực phẩm

1.1. Đối tượng

a) Người sản xuất thực phẩm.

b) Người kinh doanh thực phẩm.

c) Người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn quản lý.

1.2. Nội dung tuyên truyền, vận động

- Các tiêu chí an toàn thực phẩm.

- Các điều kiện đảm bảo sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, tiêu dùng thực phẩm an toàn theo quy định của pháp luật phù hợp với đối tượng quản lý.

- Quyền và nghĩa vụ của công dân, người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

2. Giám sát, thanh kiểm tra chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ngành Y tế đóng vai trò đầu mối, thường trực thực hiện việc giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch của các cấp, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2.1. Giám sát

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì thực hiện.

a) Đối tượng

- Cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý các ngành và theo phân cấp của từng địa phương;

- Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc các ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;

[...]