Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 34/CT-TTg
Ngày ban hành 11/12/2014
Ngày có hiệu lực 11/12/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/CT-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm nên đã có những chuyển biến tích cực. Khuôn khổ pháp luật, tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ được củng cố; trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và phối hợp liên ngành được coi trọng hơn. Nhiều mô hình tiên tiến về bảo đảm an toàn thực phẩm đang được xây dựng và nhân rộng. Nhận thức về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến rõ rệt. Ngộ độc thực phẩm cơ bản được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang gặp nhiều thách thức như: Ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các bữa ăn đông người và do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đang gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân chính là do việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chưa có hiệu quả, chưa kiểm soát được sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công; năng lực của một số bộ phận trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế; công tác phối hợp liên ngành ở nhiều địa phương vẫn chưa chặt chẽ; việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm.

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Y tế

a) Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm.

b) Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo quá mức, sai sự thật và quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận.

c) Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt, trước mắt tập trung kiểm soát tốt chất lượng đối với nguồn nước cung cấp ở các khu đô thị, các hệ thống cấp nước tập trung.

d) Hằng năm, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và các địa phương tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 để nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tập trung quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Quản lý chất lượng, an toàn các loại rau, củ, quả trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này.

b) Kiểm soát hiệu quả điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm; bảo đảm an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm.

c) Chỉ đạo các địa phương quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông lâm thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.

3. Bộ Công Thương

a) Tăng cường triển khai các biện pháp an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến.

b) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.

c) Chủ trì và phối hợp Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; từng bước kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu.

4. Bộ Tài chính

a) Triển khai các phương thức kiểm soát phù hợp tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm nhưng đồng thời phải bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

b) Phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm nhập lậu.

c) Phân bổ kinh phí đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ở cả Trung ương và địa phương.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đăng tải đầy đủ về gương tốt về an toàn thực phẩm và phê phán các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các đơn vị phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được phê duyệt, bảo đảm thông tin quảng cáo chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu trong xã hội.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

b) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm giữa các cấp chính quyền, các Sở, ngành chức năng và các Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ