Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1149/KH-UBND về phòng, chống thiên tai năm 2024 do tỉnh Cao Bằng ban hành

Số hiệu 1149/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2024
Ngày có hiệu lực 15/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Văn Thạch
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1149/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 15 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH CAO BẰNG NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 691/QĐ-UBND ngày 13/6/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai góp phần ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

- Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự tham gia của Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn, đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

- Công tác phòng, chống thiên tai phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

- Đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, an toàn cho các công trình thủy lợi, thủy điện, chống sạt lở; các công trình giao thông, công trình cơ sở hạ tầng (hệ thống cấp điện, cấp nước, nhà cửa,...) nhằm phục vụ tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống của Nhân dân.

- Người dân chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suối thời gian từ trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; đồng thời tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024

1.1. Nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống thiên tai

1.1.1. Triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022; Phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.

1.1.2. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, các ngành để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN ở mỗi cấp, mỗi ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cùng cấp.

1.1.3. Xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo giúp việc, tham mưu cho Ban Chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai.

1.1.4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021-2025; Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh thiên tai".

1.1.5. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là tập huấn, phổ biến kiến thức, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể, các hội, phòng ban, lực lượng xung kích cơ sở và cộng đồng dân cư; tập huấn chuyên đề về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống thiên tai.

1.1.6. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn, khu dân cư để chủ động phòng, tránh có hiệu quả; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo mưa trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành trong phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

1.1.7. Thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra tại địa phương.

1.1.8. Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng quỹ đảm bảo theo quy định.

1.1.9. Tổ chức, kiểm tra việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý về lĩnh vực ngành. Đặc biệt là hệ thống hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản…Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp kịp thời các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong mùa mưa lũ, ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

1.1.10. Tổ chức thực hiện công tác tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào sử dụng; tăng nguồn ngân sách nhà nước cho công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa thuỷ lợi đã xuống cấp hư hỏng.

1.1.11. Tổ chức trực ban phòng chống thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo (đột xuất, định kỳ, sơ kết, tổng kết) về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

2. Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai trên địa bàn

[...]