Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2023
Ngày có hiệu lực 20/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 20 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ-CP NGÀY 10/01/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP NHẰM PHỤC HỒI NHANH KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (Sau đây viết tắt là Nghị quyết số 06/NQ-CP) với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ.

2. Cụ thể hóa được các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện hoàn thành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ.

3. Có sự lãnh đạo, chỉ đạo của c ác cấp ủy Đảng; sự vào cuộc, tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 42%[1].

b) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 7,5%/năm[2].

c) Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 72%; trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 43.000 người lao động[3].

d) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 2% , tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%[4].

đ) Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 35%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%[5].

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện khung pháp lý, rà soát các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm:

a) Thực hiện nghiên cứu, tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp; trong đó có Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, hướng dẫn.

b) Quan tâm đầu tư phát triển, hiện đại hóa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.

c) Tiếp tục ổn định hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa nguồn lực bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

d) Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập; triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

đ) Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Phục hồi và ổn định thị trường lao động

a) Thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng huyện, thành phố để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là nắm bắt nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang.

b) Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Tiếp tục triển khai, đánh giá thực hiện Đề án “Xây dựng Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật

- Công nghệ Tuyên Quang thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh”.

[...]