Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2020 về triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng Công nghệ Thông tin” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 110/KH-UBND
Ngày ban hành 29/04/2020
Ngày có hiệu lực 29/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Thiên Định
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 110/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN CƠ SỞ DỰA TRÊN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng Công nghệ Thông tin” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm những nội dung chính như sau .

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả.

- Phối hợp tốt với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

- Thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp nhận thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở đến các cơ quan quản lý thông qua hệ thống thông tin cơ sở.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống thông tin cơ sở.

- 100% nội dung thông tin thiết yếu từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn.

- 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các cấp được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm.

3. Tầm nhìn đến năm 2030

- Người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật ở cơ sở trên hệ thống thông tin cơ sở.

- Hiện đại hóa đồng bộ hệ thống thông tin cơ sở để góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông

- Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT) được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Từ 2020 – 2021: Thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng cũng như hiệu quả sử dụng hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đó xác định được nhu cầu cũng như các căn cứ về điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, điểm tập trung đông dân cư để có phương án đầu tư, thiết lập hệ thống truyền thanh cơ sở phù hợp với từng địa phương, tránh lãnh phí.

b) Từ 2021 – 2022:

Thứ nhất: Thứ nhất: Từ kết quả khảo sát, đánh giá, để thực hiện đầu tư thiết bị mới đối với các xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh xuống cấp, không còn khả năng sử dụng. Không để tồn tại vùng trũng về truyền thanh cơ sở.

Thứ hai: Chọn thí điểm đầu tư, chuyển đổi một số đài truyền thanh hữu tuyến/FM sang đài truyền thanh ứng dụng hệ thống thống truyền thanh thông minh đảm bảo thông tin bảo mật, thiết bị gọn nhẹ. Sử dụng ứng dụng mobile và hệ thống quản trị trên cloud để triển khai truyền thanh. (Ưu tiên những đài đã hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động được). Đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng.

c) Từ 2023 – 2025: Phấn đấu số đài truyền thanh được đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh đạt 40%.

d) Từ 2025 – 2030: Phấn đấu số đài truyền thanh được đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh đạt 95%.

- Việc đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin theo quy định. Sử dụng thiết bị có khả năng nhận thông tin từ một hệ thống biên tập thông tin tập trung thông qua kết nối mạng viễn thông hoặc Internet.

- Thiết bị kết nối được với hệ thống phát thanh FM của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam và đảm bảo trong điều kiện đặc biệt (thiên tai, cố ý phá hoại, xảy ra chiến tranh...) khi mạng viễn thông, Internet bị tấn công, hệ thống không hoạt động được thì đài truyền thanh cơ sở vẫn có thể chuyển sang hoạt động theo công nghệ phát sóng FM.

- Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT được kết nối trực tiếp đến hệ thống tác nghiệp trung tâm “Hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở” để nhận nội dung phát thanh.

[...]