Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026

Số hiệu 108/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2020
Ngày có hiệu lực 30/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Nam Định, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 -:- 2026

Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-:-2026 với nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương, đơn vị, người dân và cộng đồng.

- Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lấy phòng ngừa là chính; thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.

- Bảo vệ an toàn cho các tuyến đê, kè, cống, các công trình, vật kiến trúc, đặc biệt là các tuyến đê trọng điểm đã được xác định qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng trước mùa lũ bão.

- Bảo vệ sản xuất và môi trường sinh thái.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.

- Nâng cao nhận thức của người dân về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành

- Triển khai, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTT và TKCN. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản có liên quan đến công tác PCTT và TKCN, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với quy định hiện hành.

- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCTT và TKCN năm trước và đề ra kế hoạch công tác năm sau.

- Xây dựng, cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch PCTT, phương án phòng, chống, ứng phó với các loại thiên tai của địa phương, đơn vị theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy

- Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành.

- Kiện toàn, xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã theo Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, hoàn thành trong năm 2021 quy định tại Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, đảm bảo cơ cấu, năng lực, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ.

3. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin tuyên truyền

- Phát hành các bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn tuần, tháng, mùa; các cảnh báo bão, lũ; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Rà soát, lắp đặt bổ sung trang thiết bị hệ thống cảnh báo, nhằm từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai và các chủ trương, chỉ thị về công tác PCTT. Thường xuyên phổ biến cho nhân dân về kiến thức, kinh nghiệm kỹ năng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh, truyền hình, facebook và các hình thức lồng ghép khác.

- Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ PCTT và TKCN, đặc biệt vào thời gian trong và sau thiên tai.

4. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng

[...]