Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2019 về chăm sóc sức khỏe và điều trị phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2019-2021 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 108/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2019
Ngày có hiệu lực 25/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
T
ỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 108/KH-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 25 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC HÓA HỌC/DIOXIN GIAI ĐOẠN 2019-2021 TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

I. Cơ sở xây dựng

1. Cuộc chiến tranh hóa học và hậu quả

a. Thông tin về cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam

Từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thì đây là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Số liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho thấy, trong vòng 10 năm (từ tháng 8/1961 đến tháng 7/1971), quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải chất độc hóa học (trung bình mỗi ngày có khoảng 11 vụ) xuống 25.585 thôn, ấp thuộc các vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam, với tổng diện tích từ 1,5 đến 2,6 triệu héc ta, trong số đó có 86% diện tích bị rải 2 lần trở lên và 11% diện tích bị rải trên 10 lần. Theo ước tính của Viện Y khoa Mỹ, quân đội Mỹ đã sử dụng 72 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 44 triệu lít chất độc da cam có lẫn 167kg dioxin là chất độc nhất do con người chế tạo (1). Số liệu về hóa chất độc mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam được các nhà khoa học Mỹ thuộc trường Đại học Columbia công bố trên Tạp chí Tự nhiên (Nature) tháng 4/2003 là 76,9 triệu lít, trong độc chất da cam chiếm 64% và lượng dioxin ít nhất là 366kg.

b. Những hậu quả để lại sau chiến tranh

Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng những nỗi đau, vết thương do chất độc hóa học/dioxin (gọi tắt là chất độc hóa học: CĐHH/dioxin) mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã và đang gây nhiều tác hại đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân, người dân bị phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con, cháu họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc hóa học/dioxin.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh có trên 3.500 người là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin cần được sự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng thường xuyên.

2. Cơ sở pháp lý của kế hoạch

- Một số văn bản pháp quy mới nhất liên quan đến phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học như:

- Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban chấp hành trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

- Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020”;

- Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020”; đều chỉ rõ cần phải xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ để cải thiện sức khỏe thể chất, tạo điều kiện hòa nhập giáo dục, tham gia lao động sản xuất, hòa nhập xã hội cho nạn nhân và con đẻ của họ. Trong đó, ngành y tế cần xây dựng và triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc sức khỏe và và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin triển khai trên phạm vi toàn quốc.

- Quyết định số 1087/QĐ-BYT ngày 27/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt kế hoạch của ngành y tế triển khai thực hiện chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2017-2020.

- Luật Người khuyết tật năm 2010, quy định Bộ Y tế có trách nhiệm: Thực hiện quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; Chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động phục hồi chức năng người khuyết tật; đào tạo về phục hồi chức năng; thực hiện chương trình phòng ngừa khuyết tật; hướng dẫn thực hiện phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với người khuyết tật.

- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 - 2020”. Trong Quyết định có nêu việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Dự án 3.

- Quyết định số 5305/QĐ-BYT ngày 24/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin”, giai đoạn 2018-2021;

- Thông tư liên tịch số: 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

- Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu

1. Mục tiêu chung

Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm% can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Tổ chức khảo sát, lập danh sách nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và con đẻ của nạn nhân bị dị tật, dị dạng có liên quan đến chất độc hóa học /dioxin hiện đang hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại địa phương. Tổ chức sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, lập danh sách nạn nhân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, chỉ định an dưỡng (điều dưỡng) và dụng cụ trợ giúp

2.2. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, tăng cường đào tạo cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân và người khuyết tật.

2.3. Truyền thông nâng cao, nhận thức của nạn nhân và người dân về ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin lên sức khỏe con người, các biện pháp phòng tránh bệnh, tật, dị tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học /dioxin; Tuyên truyền những chế độ, chính sách về y tế và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc hóa học /dioxin.

[...]