Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 106/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 29/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Kết luận 61-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 04/06/2024
Ngày có hiệu lực 04/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 04 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29/NQ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2024 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 61-KL/TW NGÀY 17 THÁNG 8 NĂM 2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TW NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 2017 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Chính Phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư (Kết luận số 61-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư (Chỉ thị số 13-CT/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 29/NQ-CP); Chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Văn bản số 2962-CV/TU ngày 17/5/2024 về việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 29/NQ-CP bằng những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ-CP, Kết luận số 61-KL/TW, Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW (Chương trình hành động số 14-CTr/TU); tạo động lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp từ tỉnh đến cơ sở, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

2. Yêu cầu

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận số 61- KL/TW; việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

- Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong việc thực hiện các nội dung có liên quan của Nghị quyết số 29/NQ-CP.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW; Kết luận số 61-KL/TW; Chương trình hành động số 14- CTr/TU và Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030; các văn bản có liên quan của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp nhân dân để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, doanh nhân, cộng đồng dân cư và toàn thể nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực, là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh; là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Xây dựng các tài liệu, tin bài, phóng sự chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững; tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, phổ biến kiến thức bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; biểu dương “gương người tốt, việc tốt” trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân để giáo dục phòng ngừa.

- Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng vào giờ học cho học sinh các cấp và giáo dục thường xuyên về vai trò, tác dụng của rừng trong nền kinh tế và môi trường sống của con người; các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng; tác hại và hình thức xử lý đối với việc khai thác, chặt phá rừng trái pháp luật.

- Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp trên các nền tảng số, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông. Đổi mới, nâng cao chất lượng, thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số để đưa thông tin đến với người dân vùng sâu, vùng xa.

- Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

2. Rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững

- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển lâm nghiệp bền vững đảm bảo yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trong giai đoạn hiện nay.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh về lâm nghiệp bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng, người trồng rừng; đẩy mạnh phát triển các loại dịch vụ môi trường rừng nhất là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng.

3. Phát triển kinh tế lâm nghiệp

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh (khóa VXII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2030; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang (khóa XIX) về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035 (phê duyệt tại Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)…, và các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án khác có liên quan.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ, phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến gỗ trong khu vực miền núi phía Bắc.

- Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; phát huy trách nhiệm và khuyến khích sự tham gia quản lý rừng và chia sẻ lợi ích của cộng đồng, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường; áp dụng các biện pháp canh tác và quản lý chất lượng hiệu quả cây trồng, vật nuôi, thủy sản,… kết hợp dưới tán rừng; sản xuất và thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.

- Tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về giao đất, giao rừng; quy hoạch, làm tốt công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng gắn với mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Thực hiện điều tra, đánh giá, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; nắm vững thông tin về các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao, từ đó đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng điều kiện cụ thể và phát huy tri thức bản địa của cộng đồng, người dân địa phương. Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn, tạo các giống, loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời phối hợp các địa phương trong vùng hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung, ưu tiên một số loài cây hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng; triển khai thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp để nâng cao chất lượng năng suất rừng trồng; bảo đảm cung cấp đủ giống có chất lượng cao phục vụ cho kế hoạch trồng rừng hàng năm. Tiếp tục duy trì, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung trong tỉnh, có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực; tập trung phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Từng bước tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng của địa phương cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ; phấn đấu hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô; khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ gỗ rừng trồng tại địa phương.

[...]