ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
106/KH-UBND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 17 tháng 03 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN VIỆC MỞ CỬA HOÀN TOÀN ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ VÀ NỘI ĐỊA, TRIỂN
KHAI HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI, KÍCH CẦU DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày
11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Căn cứ Thông báo Kết luận số
43/TB-VPCP, ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại
cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch;
Căn cứ Công văn số 597/BVHTTDL-TCDL,
ngày 25 tháng 02 năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công tác
chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch;
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế
và phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU,
THỜI GIAN
1. Mục đích
- Mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động
du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu
quả dịch bệnh COVID-19".
- Phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng,
phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Kích cầu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển
du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Quảng bá hình ảnh du lịch Thừa
Thiên Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định
thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”.
- Thu hút khách du lịch, đặc biệt
khách du lịch quốc tế trở lại Thừa Thiên Huế, giúp doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục dần và vẫn bảo đảm an toàn cho người dân, du
khách.
- Huy động được sự tham gia, phối hợp
và hưởng ứng của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch, dịch
vụ nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc đón khách quốc tế trở lại;
tạo nên các chương trình, sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút khách du lịch.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động đón tiếp, phục vụ
khách du lịch phải đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng chống dịch
do các cơ quan liên quan ban hành, hướng dẫn; Chủ động, sẵn sàng linh hoạt và
có các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức
đón khách.
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các
địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch phối hợp chặt chẽ
triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề
ra.
- Tăng cường đẩy mạnh hoạt động kích
cầu du lịch, công tác truyền thông, quảng bá du lịch và ứng dụng công nghệ
thông tin trong quá trình thực hiện.
3. Thời gian thực hiện: Dự kiến từ 15/3/2022.
II. NỘI DUNG, NHIỆM
VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
II.1. Nội dung
thực hiện (sẽ được cập nhật theo các hướng dẫn
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch & Bộ Y tế thời gian sắp tới):
1. Phương án đón khách du lịch quốc
tế đến Huế
2. Phương án xử lý sự cố (trên cơ sở hướng dẫn chung của cơ quan Trung ương, phải xây dựng quy
trình cụ thể để thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện)
3. Quy trình triển khai đón
khách du lịch quốc tế: điều kiện y tế; xuất, nhập
cảnh, cấp thị thực; bảo hiểm đối với khách du lịch.
4. Điều kiện đón khách đối với
các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch
4.1. Doanh nghiệp lữ hành quốc
tế
4.2. Doanh nghiệp cung ứng dịch
vụ, tham gia đón khách du lịch
II.2. Nhiệm vụ,
giải pháp
1. Chuẩn bị cơ
sở vật chất kỹ thuật đón khách của các doanh nghiệp du lịch
1.1. Cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở
lưu trú, điểm tham quan
- Rà soát, đôn đốc các hạ tầng thiết
yếu du lịch như nâng cấp nhà ga cảng Phú Bài; nâng cấp các bến thuyền, phương
tiện vận chuyển trên sông.
- Các cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến:
Rà soát đảm bảo các điều kiện, chất lượng dịch vụ phục vụ khách đáp ứng các
tiêu chí theo quy định chung của Bộ VH,TT&DL và một số hướng dẫn bổ sung của
tỉnh cho các đối tượng du khách.
- Các điểm tham quan: ưu tiên và tập
trung các điểm đảm bảo an toàn, các điểm sinh thái nghỉ dưỡng, khu vực Quần thể
di tích cố đô Huế. Sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp các doanh nghiệp kịp thời về hỗ trợ
thông tin, cung cấp dịch vụ chất lượng, đảm bảo phục vụ khách và nâng tầm chung
cho điểm đến tỉnh.
- Rà soát hoàn thiện các điểm tham
quan mới như Thượng Thành, đàn Xã Tắc, Hổ Quyền, Lăng Gia Long...
- Các đơn vị tự kiểm tra, rà soát chất
lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ; đầu tư cải thiện, nâng cấp các khu vực
xuống cấp; tăng cường, mở rộng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ phục vụ khách; đảm bảo
nhân sự đáp ứng yêu cầu theo các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành.
- Đồng hành cùng cơ quan nhà nước
trong quảng bá điểm đến, sản phẩm; đồng thời tích cực trong việc xây dựng sản
phẩm mới, nâng cao chất lượng điểm đến.
1.2. Các đơn vị lữ hành
- Chủ động kết nối và tìm kiếm thị
trường khách quốc tế; báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất tình hình triển
khai, đề xuất Sở Du lịch hỗ trợ những thủ tục cần thiết.
- Hoàn thiện lại pháp nhân phù hợp
theo quy định đối với các đơn vị lữ hành quốc tế đảm bảo yêu cầu (vừa qua một số
doanh nghiệp đã rút quỹ, chuyển sang khai thác nội địa,...do ảnh hưởng dịch
Covid), làm thế nào để nâng số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế sau ảnh hưởng
của dịch đảm bảo khai thác thị trường khách quốc tế.
- Thu hút, tuyển dụng, đào tạo nhân sự
để khai thác khách du lịch, nhất là thị hưởng khách quốc tế.
1.3. Các đơn vị vận chuyển hàng
không
- Sớm tổ chức thí điểm bay charter một
số thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc để có kinh nghiệm trong việc đón, phục vụ
và xử lý sự cố.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật,
nhân sự sẵn sàng đón khách quốc tế; xem xét mở rộng các đường bay quốc tế,
trong nước đến Huế cũng như các thị trường nội địa.
2. Sản phẩm
đáp ứng xu hướng mới của thị trường sau dịch, nhất là sản phẩm mới
Triển khai định hướng phát triển các
loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên
nhiên và bảo vệ sức khỏe. Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu
cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch
gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch
chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh
thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng
đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP. Cụ thể:
- Tập trung triển khai hiệu quả và quảng
bá các lễ hội, sự kiện cho Festival 4 mùa, góp phần tạo sự thường xuyên, liên tục
các sản phẩm của Huế, đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, quảng bá hợp lý cho
khách du lịch quốc tế.
- Nghiên cứu đề xuất khai thác các loại
hình dịch vụ du lịch dọc hai bờ sông Hương
- Mở cửa Đại Nội về đêm; tăng các sản
phẩm, dịch vụ trong các điểm di tích
- Đưa vào khai thác phố đêm Hoàng
Thành vào tháng 4/2022; sản phẩm Hop On - Hop Off; dịch vụ xe đạp công cộng, xe
đạp thông minh (các điểm: Tòa Khâm, Nghênh Lương Đình, Eo Bầu,...)
- Các sản phẩm du lịch mới các địa
phương như ở khu vực cầu Ngói, Vân Thê; các điểm du lịch suối thác,...
3. Cơ chế,
chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, các điểm du lịch
- Rà soát, hoàn thành tiêm vắc xin đầy
đủ cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch - dịch
vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”.
- Tiếp tục triển khai việc giảm một số
loại phí, giảm giá các dịch vụ điện, nước, các loại thuế theo quy định của cơ
quan Trung ương và địa phương; chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, nghỉ việc
tạm thời đối với nguồn nhân lực trong ngành du lịch...
- Phổ biến và thực hiện các chính
sách giảm phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch,
giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
- Hỗ trợ nguồn nhân lực phải cụ thể
các hình thức như đào tạo, thông tin,...
4. Công tác
truyền thông, quảng bá du lịch
- Tăng cường công tác xúc tiến quảng
bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh
nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức
xuyên suốt các hoạt động phục vụ Festival bốn mùa (lưu ý thị trường quốc tế cần
quảng bá sớm).
- Tăng cường công tác truyền thông,
quảng bá bằng hình thức chính thống, các kênh CNN,...
- Kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ
để các nhóm cộng đồng, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham quan các điểm du
lịch của tỉnh, các di tích, di sản trong tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu
thụ, sử dụng dịch vụ.
- Tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch
vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du
lịch nội địa, nhất là khách nội tỉnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ
hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương lân cận,
các tỉnh thành hết dịch để tổ chức các gói sản phẩm hấp dẫn hoặc các chương
trình kích cầu.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức quảng
bá, tập trung công tác truyền thông, quảng bá số, e/d-marketing thông qua Cổng
thông tin visithue.vn và hệ thống Visithue - thế mạnh của ngành du lịch đã thực
hiện hiệu quả trong thời gian gần đây. Đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông
tin trong các hoạt động, dịch vụ giao dịch giữa khách và các điểm kinh doanh dịch
vụ.
5. Kích cầu
thu hút khách du lịch
5.1. Các chương trình, gói kích cầu
do doanh nghiệp triển khai
- Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ động tiếp
tục phối hợp, tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia
chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng (ưu đãi, khuyến mãi, tặng
thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp,...) để hình thành gói kích
cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương.
- Đề xuất chuỗi, gói sản phẩm du lịch
an toàn trên địa bàn. Trọng tâm trước mắt hướng đến các dịch vụ như: nghỉ dưỡng
chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; thưởng thức ẩm thực; các khu
du lịch; điểm tham quan, vui chơi gắn với thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch
sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá. Khuyến khích xây dựng các tour
du lịch khám phá địa phương. Xây dựng các điểm đến mới lạ, hấp dẫn, đặc biệt
cho những người trẻ và các gia đình có con nhỏ, cũng như với các học sinh và
sinh viên.
- Khuyến khích các hình thức thanh
toán không dùng tiền mặt kết nối qua các ngân hàng trong nước.
- Hình thành khối liên minh các doanh
nghiệp tham gia chương trình kích cầu nội tỉnh.
- Đề nghị các điểm tham quan thuộc khối
tư nhân có mức miễn, giảm phí vào cửa để triển khai kích cầu du lịch, thu hút
khách đến Thừa Thiên Huế.
5.2. Các chính sách, chương trình
hỗ trợ của tỉnh
- Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế
phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng phương án tăng, giảm phí, giá
vé các điểm tham quan di tích phù hợp thực tế hiện nay; khẩn trương tăng cường
các điểm dịch vụ tại di tích để hấp dẫn điểm đến.
- Chính sách giảm 5% giá nước kinh
doanh cho các cơ sở lưu trú du lịch trong các tháng 5, 6 và 7 năm 2022 hoặc thời
điểm thích hợp khác trong năm 2022 (chính sách này đã có chủ trương tại Công
văn số 4226/UBND-TC, ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh, do thời điểm áp dụng trong
năm 2021 không hiệu quả nên đề nghị chuyển sang năm 2022).
- Tổ chức chuỗi lễ hội, sự kiện văn
hóa, nghệ thuật và du lịch nhằm tạo điểm nhấn các thời điểm trong tháng, quý,
năm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách.
- Hỗ trợ chính sách kích cầu hỗ trợ
loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), Teambuilding và các đoàn
du lịch theo hình thức charter.
6. Giải pháp hợp
tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch
- Tăng cường liên kết đẩy mạnh hợp
tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch nhằm
hỗ trợ và nâng cao giá trị các điểm đến du lịch để đón khách trong trạng thái
bình thường mới.
- Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao
hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ
cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.
- Tiếp tục triển khai hoạt động phát
triển du lịch với các tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác liên kết chung
trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, trao đổi khách du lịch với các địa
phương này; tổ chức làm việc, thống nhất với các địa phương liên kết về phương
án xúc tiến, quảng bá, trao đổi khách, giám sát và hỗ trợ du khách cũng như các
đơn vị lữ hành tổ chức tour.
- Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với
các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển và các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu nhằm
hình thành các sản phẩm, tuyến du lịch mới; đồng hành quảng bá điểm đến địa
phương và hình ảnh thương hiệu các doanh nghiệp qua phương tiện truyền thông,
các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước
7. Công tác
nguồn nhân lực du lịch
- Căn cứ theo tình hình mới và dự báo
nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng
nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch.
- Các doanh nghiệp thu hút đủ số lượng
và chất lượng công nhân viên để phục vụ 100% công suất.
- Các Sở, trường đào tạo sớm hỗ trợ
đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
- Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ, kết
nối với các đơn vị để tháo gỡ những khó khăn trong việc hỗ trợ người lao động
du lịch ảnh hưởng do dịch.
- Về lâu dài, tổ chức các hoạt động
giới thiệu, những chính sách thu hút nhân lực du lịch của tỉnh và của các doanh
nghiệp du lịch. Có các chính sách riêng hỗ trợ chuyển đổi lao động từ lĩnh vực
khác sang du lịch và tái chuyển đổi nhân lực du lịch đã chuyển sang lĩnh vực
khác.
8. Công tác đảm
bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo môi trường du lịch
- Tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí an
toàn phòng chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ nhằm đảm
bảo an toàn trong triển khai hoạt động du lịch của Bộ VHTTDL; thông điệp 5k của
Bộ Y tế.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về việc
đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong tình hình mới tại các cơ sở kinh doanh dịch
vụ du lịch.
- Đẩy mạnh việc triển khai phần mềm
dùng chung, liên thông dữ liệu để nâng cao năng lực quản lý ngành và phục vụ
công tác phòng chống dịch.
- Chấn chỉnh nghiêm các hoạt động làm
ảnh hưởng đến môi trường du lịch như nạn chèo kéo, ăn xin, cò mồi, sơn tiền, sự
mất trật tự giao thông của xích lô, xe thồ,...
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban
ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; chủ trì, điều phối với các ngành,
đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành
liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh
nghiệp du lịch trên địa bàn chuẩn bị cho mở cửa lại hoạt động du lịch, đồng thời
xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
- Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm
tra các cơ sở du lịch về việc thực hiện công tác phòng chống dịch và chất lượng
dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch.
- Tăng cường triển khai các hoạt động
truyền thông về du lịch Thừa Thiên Huế trên các phương tiện thông tin đại
chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và một số công
cụ tuyên truyền trực quan khác.
- Phối hợp tổ chức các đoàn Famtrip,
hội thảo, tọa đàm và triển khai các biện pháp, hoạt động để thu hút khách du lịch
đến Thừa Thiên Huế; Chú trọng công tác phát triển sản phẩm du lịch; phối hợp
doanh nghiệp du lịch xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm phù hợp nhu cầu,
thị hiếu của các thị trường khách quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng
bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường mới, thị trường
đã kiểm soát dược dịch bệnh.
- Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên
quan để thực hiện việc chấn chỉnh các hành vi, hoạt động ảnh hưởng đến môi trường
du lịch.
2. Sở Y tế
- Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Du
lịch, các đơn vị có liên quan xây dựng quy trình cụ thể về xử lý công tác phòng
chống dịch để phục vụ khách du lịch quốc tế và cả nội địa để thông báo các
doanh nghiệp thực hiện.
- Tiếp tục tham mưu tổ chức triển
khai tiêm chủng cho toàn bộ dân cư, người lao động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật
lực, trang thiết bị vật tư y tế và phương án đảm bảo y tế đối với khách du lịch
quốc tế khi đến tỉnh Thừa Thiên Huế; chuẩn bị các cơ sở cách ly và điều trị khi
có khách quốc tế mắc COVID- 19.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai tập huấn về
các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và cấp giấy chứng nhận đã tham
gia tập huấn cho nhân sự tham gia vào quy trình đón và phục vụ khách du lịch quốc
tế.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình tổ chức đón
khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế.
3. Sở Ngoại vụ
- Đảm bảo công tác lãnh sự, bảo hộ
công dân Việt Nam, khách du lịch theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại
diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt
Nam tại nước ngoài và các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài thông tin về Kế
hoạch tổ chức đón khách quốc tế, quy trình đón khách du lịch quốc tế và cập nhật
các chủ trương, chính sách khôi phục đường bay và hoạt động du lịch quốc tế tại
các quốc gia thuộc thị trường đề xuất.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị
chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Ngoại
giao kiến nghị Chính phủ các nội dung có liên quan đến yếu tố nước ngoài và hộ
chiếu vắc xin.
4. Công an tỉnh
- Phối hợp Cảng hàng không quốc tế
Phú Bài tổ chức phân luồng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế nhập cảnh,
xuất cảnh.
- Kiểm tra, xử lý vi phạm về lưu trú,
hoạt động của doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế (nếu có) trong quá trình thực
hiện.
- Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên
quan để thực hiện việc chấn chỉnh các hành vi, hoạt động ảnh hưởng đến môi trường
du lịch.
5. Sở Giao thông Vận tải
- Phối hợp với Cảng
hàng không quốc tế Phú Bài triển khai các quy trình đón khách du lịch quốc tế;
thông báo các thủ tục, điều kiện đón khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên Huế
cho các hãng hàng không vận chuyển khách, chuẩn bị các phương án đón, làm thủ tục
cho các tàu bay, khách du lịch quốc tế nhập cảnh theo Kế hoạch.
- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận
chuyển khách quốc tế từ sân bay đến các điểm lưu trú, các điểm tham quan.
- Phối hợp với Sở Du lịch và các cơ
quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các hoạt động đón khách du lịch quốc tế
đến Thừa Thiên Huế để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp và xử lý vi phạm (nếu có), đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng và
khách du lịch.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tăng cường công tác truyền thông,
quảng bá du lịch bằng hình thức chính thống.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung Kế hoạch đón khách quốc tế đến Thừa
Thiên Huế.
- Truyền thông đến các hãng thông tấn
báo chí trong và ngoài nước về thủ tục, quy trình đón khách du lịch quốc tế đến
Thừa Thiên Huế.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định, quy trình và biện pháp phòng chống dịch
COVID-19 tại các địa điểm phục vụ tham quan, vui chơi giải trí, thể thao... thuộc
thẩm quyền quản lý.
- Phối hợp Sở Du lịch trong công tác
truyền thông giới thiệu các chương trình, sản phẩm/dịch vụ du lịch...
8. Sở Tài chính
Phối hợp các đơn vị liên quan trong
việc giảm phí, giá các điểm di tích; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Công ty
Cấp thoát nước tỉnh trong việc giảm giá nước cho các cơ sở lưu trú du lịch.
9. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô
Huế
- Đa dạng và nâng cao chất lượng dịch
vụ tại các điểm di tích. Sớm đưa vào các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới
như Hổ Quyền, Thượng Thành,...
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Du lịch
xem xét điều chỉnh giá, phí các điểm di tích phù hợp.
10. Cảng Hàng không quốc tế Phú
Bài
- Phối hợp với các Sở, ngành, cơ
quan, đơn vị liên quan theo dõi, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh cho phép đón các chuyến bay quốc tế đến sân bay Quốc tế Phú
Bài.
- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của
cơ quan có thẩm quyền về đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống dịch bệnh cho
khách du lịch quốc tế và người lao động tại sân bay. Tổ chức và tập huấn cho
nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch quốc tế về các phương án đảm bảo an
toàn, xử lý sự cố. Thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng khi khách du lịch
có dấu hiệu nhiễm bệnh.
- Xây dựng và thực hiện quy trình tiếp
nhận chuyến bay, khách du lịch quốc tế nhập cảnh tại sân bay, phân luồng hành
khách và chuyển các đơn vị đón hành khách để đưa đến cơ sở lưu trú đảm bảo đúng
quy định về phòng, chống dịch.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã và thành phố Huế
- Phối hợp với Sở Y tế đẩy nhanh hoàn
thành việc tiêm chủng đủ liều vắc- xin cho người dân và người lao động trên địa
bàn, đặc biệt tại các khu, điểm, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trước thời điểm
triển khai Kế hoạch.
- Tổ chức thông tin, truyền thông tạo
sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn về việc đón khách du lịch quốc tế đến
Thừa Thiên Huế.
- Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực,
trang thiết bị vật tư y tế, tăng cường năng lực và khả năng xét nghiệm các
phương án an toàn phòng chống, dịch bệnh và xử lý sự cố tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Du lịch công bố
công khai các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ vui
chơi giải trí, dịch vụ khác đảm bảo điều kiện tham gia đón khách du lịch.
- Chủ động tổ chức giám sát, thanh
tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị; đánh giá kết quả triển
khai đón khách du lịch quốc tế tại địa phương và kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn,
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng và
khách du lịch.
- Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên
quan để thực hiện việc chấn chỉnh các hành vi, hoạt động ảnh hưởng đến môi trường
du lịch.
12. Hiệp hội Du lịch
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
chức năng, hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên triển khai kế hoạch đón và phục
vụ đối tượng khách du lịch an toàn, thuận tiện; vận động doanh nghiệp thực hiện
nghiêm túc các hướng dẫn để đảm bảo an toàn, sức khỏe của khách du lịch, người
lao động trong doanh nghiệp và cộng đồng.
- Triển khai công tác truyền thông,
xúc tiến quảng bá du lịch, liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài
nước để tìm kiếm, khai thác nguồn khách, phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới, hấp
dẫn khách du lịch.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục;
Tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá về du lịch Thừa Thiên
Huế và các sản phẩm, dịch vụ du lịch, chương trình ưu đãi của các doanh nghiệp
du lịch trên địa bàn tỉnh.
14. Các đơn vị cung ứng dịch vụ du
lịch
- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của
cơ quan có thẩm quyền về đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch,
người lao động và cộng đồng, về xử lý sự cố trong phòng chống dịch, nguyên tắc
là chủ động của doanh nghiệp trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ của cơ sở y tế. Cam kết
hoạt động kinh doanh đảm bảo theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống
dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại Thừa Thiên Huế.
- Chủ động, tích cực xây dựng phương
án triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch phù hợp với điều kiện của đơn
vị; xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị; đào tạo nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá; đầu tư và nâng cấp cơ sở vật
chất kỹ thuật... chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động kinh
doanh du lịch và phòng, chống dịch bệnh để đóng góp tích cực vào quá trình phục
hồi và phát triển ngành du lịch tỉnh.
- Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả
hoạt động (số lượng khách, tình hình đón, phục vụ khách du lịch quốc tế, những
khó khăn, vướng mắc phát sinh Sở Du lịch để tổng hợp báo cáo, kiến nghị, đề xuất
cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hỗ trợ.
- Các hãng bay sẵn sàng cho việc vận
chuyển khách quốc tế; xem xét mở rộng các đường bay quốc tế, trong nước đến Huế.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện việc mở
cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương
căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy,
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Bộ VHTTDL và TCDL;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, DL.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|