Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2015 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2015
Ngày có hiệu lực 25/05/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 25 tháng 5 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

VỀ GIẢM SỐ LƯỢNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC CUỘC HỌP, HỘI NGHỊ TẠI UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Thời gian qua, số lượng các cuộc họp, hội nghị tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh còn nhiều; trong đó, chất lượng nhiều cuộc họp, hội nghị không cao. Tình trạng trên dẫn đến thời gian dành cho công tác chuyên môn, đi công tác cơ sở nắm bắt tình hình hoặc để suy nghĩ những vấn đề có tính chiến lược quá ít. Để giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị, Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu giảm 30% số lượng các cuộc họp, hội nghị do Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh chủ trì (so với năm 2014).

2. Nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

II. NỘI DUNG – GIẢI PHÁP

1. Các loại cuộc họp, hội nghị phải tổ chức:

a) Họp Uỷ ban nhân dân Tỉnh thường kỳ (tháng, quý, sáu tháng, năm); họp báo chí định kỳ.

b) Các cuộc họp giữa Uỷ ban nhân dân Tỉnh với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các đoàn thể, Toà án nhân dân Tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh theo Quy chế phối hợp được ký kết.

c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh họp với các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để giải quyết một số vụ việc thuộc thẩm quyền chung.

d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh họp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan nhằm giải quyết những công việc có tính chất quan trọng hoặc vượt quá thẩm quyền của cấp dưới hoặc để kiểm tra trực tiếp về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của cấp dưới.

đ) Hội nghị triển khai nhiệm vụ, sơ, tổng kết khi thật sự cần thiết.

e) Giải quyết những công việc khi có thiên tai, địch họa hoặc tình trạng khẩn cấp.

* Giải pháp:

- Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh chịu trách nhiệm:

+ Xác định chương trình, nội dung và thành phần dự.

+ Đảm bảo chất lượng thẩm tra các nội dung họp.

+ Kết hợp nhiều nội dung trong một cuộc họp.

- Đơn vị trình: Nêu rõ nội dung cần xin ý, cơ sở pháp lý – thực tiễn.

- Đơn vị dự họp: Phát biểu gọn, đi thẳng trọng tâm.

- Chủ trì: Kết luận rõ từng nội dung.

2. Các trường hợp không tổ chức cuộc họp, hội nghị:

a) Để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm của sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã được phân công, phân cấp, uỷ quyền.

b) Để nghe báo cáo tình hình thay cho việc đi cơ sở để trực tiếp kiểm tra, giám sát theo quy định.

c) Để lấy ý kiến hoặc để trao đổi, thảo luận những vấn đề thuộc về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn bản, đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật.

d) Giải quyết những nội dung công việc mang tính chất chuyên môn, kỹ thuật hoặc để giải quyết những công việc chuẩn bị trước cho việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị.

đ) Để nghe các ý kiến đề xuất và kiến nghị của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp dưới, của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm có đủ thông tin, có thêm cơ sở, căn cứ trước khi ra quyết định theo chức năng, thẩm quyền tham mưu, tư vấn.

[...]