Kế hoạch 1028/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 1028/KH-UBND
Ngày ban hành 30/04/2023
Ngày có hiệu lực 30/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1028/KH-UBND

Gia Lai, ngày 30 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

Thực hiện Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với những nội dung sau:

I. SƠ LƯỢC VỀ IPHM

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể (đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích) nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Nền tảng của quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng, những biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại và chỉ tập trung vào nông nghiệp. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng, những biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại.

Mục tiêu của IPHM là đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao được giá trị sản phẩm trồng trọt, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho người nông dân về sức khỏe cây trồng; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật. IPHM dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm: (1) Đất khỏe: Đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất; đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất; đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng; đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý; (2) Cây trồng khỏe: Gồm giống tốt, mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lý, sinh vật gây hại thấp, đảm bảo năng suất chất lượng; (3) Đầu tư thông minh: Chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; (4) Bảo vệ môi trường sinh thái: Bảo vệ địa chất, đất, nước và tất cả các sinh vật sống; (5) Giám sát và kiểm tra đồng ruộng: Người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước và đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời; (6) Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm: Người nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho người nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia.

Nội dung của Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) dựa trên nền tảng Chương trình IPM và thông qua các tiêu chí: Giống chất lượng, cây trồng khỏe, sức khỏe của đất và dinh dưỡng cho cây trồng.

Những nguyên tắc, mục tiêu và nội dung của Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được xây dựng là bước tiếp nối theo chiều sâu của chương trình IPM, góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường, hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về môi trường xanh, nông sản sạch và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương giai đoạn 2023 - 2030.

- Xác định các nhiệm vụ và giải pháp cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai.

2. Yêu cầu

- Xây dựng Kế hoạch cụ thể, phối hợp triển khai chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để thúc đẩy ứng dụng IPHM góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch cần được xem xét tích hợp, lồng ghép, thống nhất với Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025 đã được ban hành tại Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 09/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

- Khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch; kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a. Trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

b. Đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên:

- Ít nhất có 05 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh.

- Mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

c. Phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; trên 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt trên 70% diện tích ứng dụng IPHM, qua đó giảm ít nhất 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ