Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2022 về trồng cây xanh giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 13/01/2022
Ngày có hiệu lực 13/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trần Tuệ Hiền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Bình Phước, ngày 13 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRỒNG CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC.

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

Căn cứ Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Kế hoạch triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương “Trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ phát động tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRỒNG CÂY XANH NĂM 2021

I. Kết quả thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND và Kế hoạch số 77/KH-UBND, của UBND tỉnh.

Năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 876.850 cây xanh các loại, đạt tỷ lệ 87,7% so với mục tiêu Kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ cây sống sau khi trồng đạt 92,8%, trong đó:

- Trồng cây 19/5 tại Lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và phát động trồng cây xanh năm 2021 là 6.760 cây.

- Cây xanh trồng phân tán là 760.865 cây (gồm: các Sở, ngành và các Công ty Cao su là 246.180 cây; các huyện, thị xã, thành phố là 514.685 cây).

- Trồng rừng tập trung: Trồng mới rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 196,17 ha, tương ứng với 109.225 cây (gồm: Dự án trồng rừng sản xuất tại Khu di tích lịch sử văn hóa Bộ Chỉ huy Miền Tả Thiết, tổng diện tích thiết kế 111,28 ha, diện tích thực trồng 107,05 ha tương dương 53.525 cây; Dự án trồng rừng phòng hộ khu vực lòng hồ Cần Đơn, tổng diện tích thiết kế được phê duyệt và đã thực hiện trồng là 89,12 ha tương đương 55.700 cây).

II. Đánh giá kết quả đạt được.

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp ra quân trồng cây xanh của các ngành chức năng, các cấp chính quyền cơ sở và các đoàn thể cùng tham gia, nên công tác trồng cây xanh năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, như:

- Công tác tuyên truyền đến mọi người dân cùng tham gia trồng cây xanh nhằm góp phần bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sử, bảo vệ đất đai và môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Việc thành lập Ban Chỉ đạo trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025, cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác trồng cây xanh hàng năm và cả giai đoạn trên địa bàn tỉnh.

III. Những tồn tại và nguyên nhân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định, như: trồng rừng tập trung không đạt so với kế hoạch đề ra; số lượng cây dã giao nhận nhưng chưa trồng; công tác triển khai còn chậm;..., những tồn tại, hạn chế này là do những nguyên nhân chính như sau:

1. Nguyên nhân khách quan.

- Diện tích quy hoạch trồng cây xanh thuộc Dự án hồ thủy lợi Phước Hòa, chưa giải phóng được mặt bằng để đầu tư thực hiện các hạng mục tiếp theo, trong đó có hạng mục trồng 10.000 cây xanh.

- Kế hoạch, chỉ tiêu trồng 198 ha tại Khu di tích lịch sử Văn hóa Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết. Tuy nhiên, do điều chỉnh vị trí nên diện tích thực trồng chỉ được 107,05 ha.

- Đối với diện tích 49 ha tại khu vực lòng hồ Phước Hòa, do thay đổi nguồn vốn đầu tư trồng rừng, nên năm 2021 chưa thực hiện được.

- Do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên thời gian trồng cây phải kéo dài thêm, thậm chí còn số lượng cây khá lớn chưa trồng được do hết mùa vụ trồng cây.

2. Nguyên nhân chủ quan.

- Chưa kịp thời đôn đốc hướng dẫn người dân chăm sóc cây trước khi trồng dẫn đến tỷ lệ cây bị chết khá nhiều.

- Chưa kịp thời tham mưu đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời cho hạng mục trồng rừng tập trung khu vực lòng hồ Phước Hòa (trách nhiệm này thuộc về Sở Nông nghiệp và PTNT).

- Hạng mục trồng rừng tập trung còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra (trách nhiệm này thuộc về đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư - Chi cục Kiểm lâm, chưa thực sự chủ động trong việc thiết lập các hồ sơ cần thiết).

[...]