Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2016
Ngày có hiệu lực 25/01/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Đồng Văn Thanh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 25 tháng 1 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36A CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Tỉnh ủy Hậu Giang thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế,

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ, đồng thời cụ thể hoá các nội dung, giải pháp để triển khai Nghị quyết Chính phủ điện tử.

Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các ngành, các cấp về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan Nhà nước của tỉnh.

2. Yêu cầu

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, cần được chú trọng, ưu tiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ quan, đơn vị mình.

Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công mức độ cao, hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện trên diện rộng, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường.

3. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điên tử tỉnh Hậu Giang, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Chú trọng hoàn thiện ba nhóm chỉ số: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.

Từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

4. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016 - 2020

Triển khai hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đảm bảo hoạt động của các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị trong tỉnh trên môi trường mạng và cung cấp 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến quan trọng ở mức 3, mức 4 trong nhiều lĩnh vực cho người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp, giao thông, điện, thủy lợi, giáo dục, y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp nông thôn, hạ tầng đô thị.

Xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ; đáp ứng sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Kết nối băng thông rộng, chất lượng cao đến 100% các xã, phường, thị trấn.

100% các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh; 50% doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhân lực công nghệ thông tin cho tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Xác định danh mục các nhóm dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước tỉnh Hậu Giang cung cấp để xây dựng dịch vụ công mức 3 và 4 đến cuối năm 2020, các bước thực hiện cụ thể qua từng năm và các biện pháp đảm bảo thực hiện.

Phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

[...]