ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 05
tháng 01 năm 2022
|
KẾ
HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO
VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM, NGƯỜI
KHUYẾT TẬT VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CẦN TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Quyết định
số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người
cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn
2021 - 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất
lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ
em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:
Phần
thứ nhất
ĐÁNH
GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC
KHOẺ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ
CÁC ĐỐI TƯỢNG TRỢ GIÚP KHÁC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. KẾT QUẢ TRIỂN
KHAI, THỰC HIỆN
1. Lĩnh vực người có
công
Hiện nay trên địa bàn
tỉnh Lạng Sơn có 23.896 người người có công chiếm 3,026% dân số toàn tỉnh. Việc
thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công được áp dụng theo quy định tại
Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa
đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số
26/2005/PL-UBTVQH11; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có
công với cách mạng; Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước
“Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội… tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quản
lý nhà nước về lĩnh vực người có công đảm bảo việc tổ chức thực hiện các chế độ
chính sách được thường xuyên, đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định.
Tỉnh Lạng Sơn đã ban
hành các kế hoạch, chương trình, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện như:
Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 27/7/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo
đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với ban hành văn bản chỉ
đạo1 các đơn vị chức năng về công tác chăm
sóc đối tượng người có công với cách mạng. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các văn
bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với
cách mạng đến UBND các huyện, thành phố để tổ chức, triển khai thực hiện, đồng
thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa
bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Tỉnh Lạng Sơn có 01
Trung tâm Điều dưỡng người có công. Trung tâm Điều dưỡng người có công được
thành lập tại Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 20/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh
là đơn vị sự nghiệp công lập hạng II, áp dụng cơ chế quản lý tài chính tại Điều
15 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự
chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu
sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng
thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành chức
năng cấp trên có liên quan. Với chức năng nhiệm vụ: tổ chức tiếp nhận, quản lý,
chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng và thực
hiện chế độ, chính sách, tiêu chuẩn đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công
thuộc phạm vi quản lý. Trung tâm Điều dưỡng người có công có tổng cộng 37 phòng
(02 giường/phòng) với 74 giường đáp ứng công suất tối đa 74 lượt đối tượng/đợt.
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chỉ tiêu điều dưỡng cho 7.310 lượt
người có công, tổng kinh phí 12.282 triệu đồng (điều dưỡng tập trung cho 2.931
người, điều dưỡng tại gia đình 4.379 người). Từ năm 2017 - 2020 Trung tâm Điều
dưỡng người có công đã thực hiện điều dưỡng tập trung cho 1.839 người. Các đối
tượng đến điều dưỡng đều được thăm khám sức khỏe ban đầu, có sổ theo dõi sức khỏe
cho từng đối tượng. Ngoài ra, trong chương trình điều dưỡng Trung tâm luôn tổ
chức đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng cho đối tượng
có bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hô hấp… Chế độ các đối tượng cũng
luôn được đảm bảo được cấp đầy đủ các loại thuốc bổ, thuốc chữa trị bệnh thông
thường.
2. Lĩnh vực người cao
tuổi
Tổng số người cao tuổi
(NCT) trên địa bàn tỉnh có 89.493 người, chiếm 11,25% dân số. Giai đoạn
2016-2020, UBND, HĐND tỉnh ban hành: Quyết định số 2389/QĐ-UBND ngày 05/11/2016
về phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ
tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 26/5/2017 thực
hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm
nhìn đến năm 2030” và Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 22/6/2017 thực hiện chương
trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
giai đoạn 2017 - 2020 trong đó có chính sách đối với người cao tuổi; Kế hoạch số
140/KH-UBND ngày 09/8/2017 thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
giai đoạn 2017 - 2025; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh
quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lạng
Sơn; Kế hoạch số 105 /KH-UBND ngày 22/6/2020 về thực hiện “Tháng hành động vì
người cao tuổi Việt Nam” năm 2020, với chủ đề "Chăm sóc và phát huy vai
trò của người cao tuổi" trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn... và nhiều văn bản quản
lý nhà nước khác.
Công tác tuyên truyền
thi hành Luật Người cao tuổi được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo;
công tác tuyên truyền thực hiện sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại
chúng của tỉnh (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng chuyên mục người
cao tuổi mỗi tháng 04 kỳ, tổng thực hiện 2.400 phát sóng; tuyên truyền qua hệ
thống loa phát thanh được 286.800 lượt truyền thanh) và thông qua các buổi sinh
hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các lớp, các chương trình tập huấn nghiệp vụ,
thực hiện lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền
qua các hội nghị, thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên đề “Vui khỏe - có
ích”, nêu gương “Ông bà mẫu mực - con cháu thảo hiền”, “Tuổi cao - Gương
sáng”... Kết quả: đã tổ chức được 1.111 cuộc tuyên truyền thu hút 61.916 lượt
người tham dự; tổ chức 282 lớp tập huấn về công tác người cao tuổi cho 22.450
lượt cán bộ làm công tác người cao tuổi
cấp huyện, xã, thôn;
cấp phát 18.000 tờ rơi, tờ gấp. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chính
sách pháp luật, nhận thức của cộng đồng xã hội, nhất là cán bộ cơ sở về công
tác người cao tuổi đã được nâng lên, chế độ chính sách đối với người cao tuổi
được triển khai ngày một tốt hơn, giảm số lượng đơn thư của đối tượng hỏi về
chính sách.
- Việc cấp và khám chữa
bệnh cho người cao tuổi bằng thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định.
100% người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính
sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo… đều được cấp thẻ bảo hiểm y
tế và hỗ trợ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tỷ lệ người cao tuổi
có thẻ bảo hiểm y tế đạt 83,78% so với tổng số người cao tuổi.
- Việc khám chữa bệnh
theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng
dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện tốt, số người cao tuổi được
khám định kỳ ít nhất 01 lần/năm do trạm y tế cấp xã tổ chức thực hiện là
184.035 lượt người cao tuổi; số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe
tại xã, phường, thị trấn nơi cư trú 44.661 người. Công tác hỗ trợ người cao tuổi
cô đơn bệnh nặng, không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khám chữa
bệnh được cán bộ y tế đến trực tiếp khám chữa bệnh tại nơi cư trú: đã thực hiện
khám chữa bệnh cho 2.055 lượt người, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối
với người cao tuổi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 bệnh viện có khoa lão khoa
để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bố trí 81 giường điều trị nội trú cho
người cao tuổi, có 15 nhân viên y tế được đào tạo chuyên về lão khoa. Hầu hết bệnh
viện tuyến huyện đều có các giường điều trị dành cho người cao tuổi nội trú.
Người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và người có công với cách mạng khi đi
khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đều được ưu tiên và được phổ biến bằng quy định
cụ thể tại các cơ sở y tế. Có 01 Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh đang
nuôi dưỡng, chăm sóc 20 đối tượng là người cao tuổi, số người cao tuổi này thuộc
hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn, không có người có quyền và nghĩa vụ phụng
dưỡng chăm sóc nuôi dưỡng.
Nguồn lực: nguồn lực
tổ chức thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được bố
trí từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa.
3. Lĩnh vực trẻ em
Số trẻ em dưới 16 tuổi
trên địa bàn toàn tỉnh năm 2021 là 200.489 trẻ em chiếm khoảng 25,4% dân số. Thực
hiện Chương trình công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành các
văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Chương
trình hành động vì trẻ em Lạng Sơn giai đoạn 2012 - 2020; các sở, ban, ngành, tổ
chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao hằng
năm đều xây dựng Kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và hướng dẫn tổ chức
triển khai thực hiện trên địa bàn. Việc thực hiện Chương trình bảo vệ chăm sóc
trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan
tâm, hỗ trợ về nhiều mặt, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tham gia và thụ
hưởng các Chương trình, dự án, các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục.
Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát
triển tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho
công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn hạn chế, nhưng cấp ủy Đảng,
chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác bảo
vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, số lượng được tăng dần hàng năm. Bên cạnh việc đầu
tư nguồn lực thông qua phân bổ ngân sách địa phương, công tác xã hội hóa nguồn
lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) được triển
khai thực hiện có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục và y tế
thông qua thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay nước ngoài và tăng cường xã
hội hóa giáo dục đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2012 -
2020.
4. Lĩnh vực Người
khuyết tật
Trên địa bàn tỉnh có
13.534 người khuyết tật (NKT), chiếm 1,71% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Luật
NKT, Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 (Đề án), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch
số 20/KH-UBND ngày 27/02/2013 về thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -
2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Để thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án,
hàng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, chỉ đạo các cơ quan liên
quan tham mưu triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo ban hành hướng dẫn việc xác định
mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật đối với NKT trên địa bàn tỉnh,
hướng dẫn về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT nặng, NKT đặc biệt
nặng sống tại gia đình, cộng đồng hoặc trong cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn
tỉnh; UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
thuộc lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý, tổ chức tốt việc thực hiện Luật NKT trên
địa bàn; chỉ đạo cán bộ cấp xã, huyện nắm bắt và triển khai thực hiện Luật NKT
và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong giai đoạn 2016 - 2020 việc thực hiện
chăm sóc cho NKT trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh
ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, do đó nhiều hoạt động cho NKT đã được quan tâm tổ chức
thực hiện và cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án. Công tác tuyên
truyền triển khai các hoạt động trợ giúp NKT đã góp phần nâng cao nhận thức của
các tầng lớp Nhân dân về NKT. Ngày càng nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp,
cá nhân hảo tâm tham gia các hoạt động từ thiện trợ giúp NKT. Việc thực hiện
các chế độ, chính sách cho NKT được triển khai kịp thời, đồng bộ, đời sống của
các đối tượng yếu thế nói chung, NKT nói riêng ngày càng được cải thiện rõ rệt
cả về vật chất và tinh thần. Các hoạt động về kinh tế - xã hội, giảm nghèo và
giải quyết việc làm đã tác động tích cực đến đời sống của một bộ phận người
NKT. Đề án trợ giúp NKT đã hình thành được các mô hình chăm sóc trợ giúp NKT
như: cung cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm,
thành lập các tổ chức cho NKT. Việc chăm sóc sức khỏe cho NKT cũng đã được quan
tâm chú trọng; 100% NKT đủ điều kiện được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định;
NKT tham gia khám chữa bệnh được ưu tiên và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế;
NKT có nhu cầu tham gia giao thông và hoạt động thăm quan du lịch được hỗ trợ
và giảm giá dịch vụ; 100% NKT có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế và có nhu cầu
hỗ trợ pháp lý đều được đáp ứng và hỗ trợ… 100% NKT được cấp giấy chứng nhận
khuyết tật theo quy định; 100% NKT đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội được hưởng
trợ cấp đầy đủ kịp thời. Công tác khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật, chỉnh hình
cho NKT được thực hiện tốt. Công tác giáo dục cho NKT tổ chức triển khai đạt kết
quả tốt trên địa bàn toàn tỉnh…
5. Kinh phí thực hiện
Kinh phí tỉnh thực hiện
các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người
có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em tại các cơ sở do ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý, Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn năm 2016 -
2020 là 66.537,8 triệu đồng, cụ thể như sau:
- Năm 2016: 8.665,2
triệu đồng;
- Năm 2017: 11.965,6
triệu đồng;
- Năm 2018: 17.647,0
triệu đồng;
- Năm 2019: 13.406,6
triệu đồng;
- Năm 2020: 14.855,4
triệu đồng.
II. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ
Công tác chăm sóc sức
khoẻ cho người có công, người cao tuổi, NKT và trẻ em trên địa bàn tỉnh trong
những năm qua đã được các cấp các ngành quan tâm triển khai thực hiện có hiệu
quả. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020
còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:
1. Nhận thức về vai
trò và trách nhiệm đối với công tác người cao tuổi, NKT, trẻ em của một số cấp ủy,
chính quyền cơ sở còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn thiếu
chặt chẽ; việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ
cho người cao tuổi, NKT, trẻ em chưa nhiều và chưa hiệu quả nên chỉ tiêu chưa đạt
được mục tiêu đề ra.
2. Số lượng biên chế
được giao tại Trung Tâm Điều dưỡng người có công còn ít, số người làm việc trực
tiếp đến chăm sóc sức khỏe của đối tượng còn hạn chế, chưa có bác sỹ, kỹ thuật
viên chuyên ngành phục hồi chức năng. Trung tâm có 01 y sỹ, 01 điều dưỡng, 01 hộ
lý; trình độ đào tạo chuyên môn của đội ngũ y tế mới đạt từ trung cấp đến cao đẳng,
chưa được đào tạo chuyên sâu về y tế, điều dưỡng, phục hồi chức năng.
3. Công tác xã hội
hoá các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người có công, người cao tuổi, người
khuyết tật và trẻ em trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế
khó khăn, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế, đặc biệt là các
đối tượng ở các vùng sâu, vùng xa còn chưa được sự quan tâm, chăm sóc đồng đều.
Phần
thứ hai
KẾ
HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NGƯỜI
CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG
TRỢ GIÚP KHÁC GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
I.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện
có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Quyết định số 1942/QĐ-TTg giai đoạn 2021
- 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao chất lượng
toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người
cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn
2021 - 2030, góp phần phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới.
2. Yêu cầu
- Tăng cường công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người có công với
cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng cần trợ giúp xã hội.
- Bám sát mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 1942/QĐ-TTg và đảm bảo việc thực hiện phù hợp với tình hình ở địa
phương.
II.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng, phạm vi
của Chương trình
- Đối tượng, phạm vi
thực hiện: các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm
Điều dưỡng người có công; cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở cai nghiện ma túy do
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở chăm
sóc sức khỏe lao động - xã hội).
- Đối tượng thụ hưởng:
người có công, người cao tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng cần trợ giúp xã hội.
2. Thời gian thực hiện
Chương trình: từ 2021 đến năm 2030, chia theo 2 giai đoạn: Từ năm 2021 - 2025
và từ năm 2026 - 2030.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Củng cố, đổi mới,
hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội nhằm đảm bảo cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời
các dịch vụ y tế phù hợp theo hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép
các hoạt động tăng cường sức khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, chỉnh hình, phục
hồi chức năng kết hợp với các hoạt động trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc
sống cho đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và
phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021 -
2025
- Tối thiểu 70% cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban
đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng.
- Phấn đấu 80% - 90%
đối tượng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được quản lý, theo
dõi sức khỏe điện tử.
- Từng bước đầu tư,
nâng cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành
Y tế và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Giai đoạn 2026 -
2030
- 100% cơ sở chăm sóc
sức khỏe lao động - xã hội bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục
hồi chức năng cho đối tượng.
- 100% đối tượng của
các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được quản lý, theo dõi sức khỏe
điện tử.
- Đầu tư, nâng cấp
các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Củng cố, hoàn thiện
các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
- Củng cố, hoàn thiện
các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội đảm bảo hài hòa với quy hoạch tổng
thể của mạng lưới cơ sở y tế. Thực hiện phân loại các cơ sở chăm sóc sức khỏe
lao động - xã hội theo phân hạng bệnh viện, tiêu chí y tế tuyến xã để có cơ chế
hoạt động, đầu tư phù hợp.
- Tổ chức thí điểm mô
hình y tế tại Trung tâm Điều dưỡng người có công; cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở
cai nghiện ma túy nhằm phát hiện sớm bệnh tật, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu,
chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng cho đối tượng.
- Rà soát, sắp xếp, bố
trí phấn đấu bố trí đủ số lượng y sỹ, bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng
làm việc tại cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo vị trí việc làm, khối
lượng công việc phù hợp với nhu cầu của cơ sở và điều kiện thực tế của tỉnh; cơ
sở, bảo đảm theo dõi, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh chữa bệnh,
phục hồi chức năng cho đối tượng.
2. Đổi mới, hoàn thiện
chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe
lao động - xã hội
- Xây dựng và thực hiện
cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội với
các cơ sở y tế của ngành y tế trên cùng địa bàn.
- Thực hiện tin học
hóa hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội và quản lý hồ sơ
theo dõi sức khỏe cho đối tượng; đồng bộ và kết nối thông tin giữa cơ sở chăm
sóc sức khỏe lao động - xã hội với y tế tuyến huyện, thành phố, tuyến tỉnh, tuyến
trung ương của ngành y tế để theo dõi, quản lý sức khỏe cho đối tượng; ứng dụng
công nghệ thông tin trong đào tạo, tập huấn và khám chữa bệnh từ xa; xây dựng
và triển khai thực hiện bệnh án điện tử; xây dựng phần mềm, ứng dụng trên điện
thoại để giao tiếp, kết nối đối tượng với các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội nhằm chia sẻ thông tin, cảnh báo sức khỏe, hỗ trợ thăm khám, kiểm tra
sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần cho các đối
tượng.
- Tham gia các hoạt động
truyền thông nâng cao nhận thức, vận động đối tượng chính sách xã hội thuộc quản
lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia bảo hiểm y tế.
3. Nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
Tập huấn nâng cao
năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng về kỹ năng,
phương pháp chăm sóc, điều dưỡng và phục hồi chức năng; huấn luyện kỹ năng chăm
sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng tại gia đình.
4. Đổi mới cơ chế
cung cấp dịch vụ của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
- Vận động nguồn lực
hỗ trợ khám chữa bệnh đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật,
người tâm thần, trẻ em, người nghèo, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
người có thu nhập thấp.
- Vận động nguồn lực
hỗ trợ các đối tượng, bảo đảm khám bệnh chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức
năng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
5. Hỗ trợ nâng cấp, cải
tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
- Căn cứ cụ thể vào
tình hình ngân sách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngân sách Trung ương
và ngân sách địa phương ưu tiên hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cho các cơ sở trực thuộc
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như Trung tâm Điều dưỡng người có công,
Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Cơ sở cai nghiện bắt buộc tỉnh.
- Nghiên cứu, áp dụng
các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thực
hiện đầu tư cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội. Đổi mới cơ chế chính
sách, tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
6. Truyền thông nâng
cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng
- Truyền thông, nâng
cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của
công tác chăm sóc sức khỏe ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; kỹ năng chăm
sóc, điều dưỡng và phục hồi chức năng đối với thương, bệnh binh, người khuyết tật,
người cao tuổi và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
- Phổ biến pháp luật
về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho cán bộ,
nhân viên thuộc cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện
được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung
hạn hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương
trình, dự án, vốn ODA, đề án liên quan khác; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp
và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội để
thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước và pháp luật về đầu tư công.
2. Đóng góp, hỗ trợ hợp
pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
3. Hằng năm, các sở,
ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được
giao, chủ động xây dựng dự toán thực hiện Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Truyền thông nâng
cao nhận thức; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nâng cao năng
lực cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế lao động - xã hội; áp dụng cơ chế
chính sách, văn bản pháp luật để quản lý cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã
hội.
- Huy động, sử dụng
các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp
trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
- Ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý công tác y tế lao động xã hội.
- Chủ trì, phối hợp với
Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện
và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
2. Sở Y tế
- Hỗ trợ đào tạo nhân
lực y tế để có đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chỉnh hình, phục hồi
chức năng. Hướng dẫn thực hiện các quy định về Giấy phép hoạt động, danh mục kỹ
thuật khám bệnh chữa bệnh, Chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh cho các cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội khi có đề xuất.
- Phối hợp cùng Bảo
hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn, áp dụng các quy định về chuyển tuyến, thông tuyến
khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm các cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội được nằm trong tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đế các đối tượng là
người có công, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người cao tuổi, trẻ
em, người khuyết tật và các đối tượng cần sự chăm sóc đặc thù khác được hưởng đầy
đủ các chế độ về bảo hiểm y tế và theo nội dung của Kế hoạch.
- Phối hợp nghiên cứu,
áp dụng chương trình, tài liệu đào tạo, tập huấn nghiệp vụ y tế, điều dưỡng, chỉnh
hình, phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế lao động - xã hội.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, trên cơ sở
dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính thẩm
định, tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo
Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn
ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm cho các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo
cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho cơ
11
sở chăm sóc sức khỏe
lao động - xã hội trên địa bàn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định
hiện hành.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông,
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người lao động
tham gia bảo hiểm y tế.
- Rà soát, đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và
bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, đối tượng yếu thế tham gia bảo hiểm y tế theo quy định.
6. Các sở, ban,
ngành, cơ quan liên quan: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách
nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức liên quan: trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này,
tăng cường các hoạt động phối hợp và nâng cao vai trò, chức năng trong hoạt động
tuyên truyền, vận động và giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình nâng
cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao
tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
8. UBND các huyện,
thành phố
- Xây dựng Kế hoạch
triển khai thực hiện theo quy định; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người
dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế;
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên
quan triển khai các hoạt động của Kế hoạch này.
- Tổ chức kiểm tra,
đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý, định kỳ hàng năm báo
cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các
cơ quan liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch
này./.
Nơi nhận:
-
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tinh;
- Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UB MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, THCB;
- Lưu: VT, KGVX (ĐDĐ).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Xuân Huyên
|
1 Công văn số 1167/UBND-VX ngày
03/11/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý công tác khám giám định y
khoa; Công văn số 76/VP-VX ngày 14/01/2015 của Văn phòng UBND tỉnh về việc thực
hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Công văn số
952/UBND-VX ngày 26/9/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý nhà nước về
chế độ, chính sách đối với người có công; Công văn số 379/UBND- KGVX ngày
27/4/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016
của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 21/12/2017 của Tỉnh ủy thực
hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp
tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công người có công với cách mạng; Kế
hoạch số 170/KH-UBND ngày 05/10/2017 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 15- CT/TU
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác
thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng giai đoạn 2017 - 2025; Kế
hoạch số 17/KH-UBND ngày 02/02/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch
số 48-KH/TU ngày 21/12/2017 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công người có công với cách mạng.