Kế hoạch 785/KH-UBND năm 2023 triển khai Chương trình hành động số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 785/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2023
Ngày có hiệu lực 20/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 785/KH-UBND

Nghệ An, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 56-CTR/TU NGÀY 03/7/2023 CỦA TỈNH ỦY NGHỆ AN VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 03/7/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An (viết tắt là Chương trình hành động số 56-CTr/TU) về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW). Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 2287/SCT-QLCN ngày 09/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Chương trình hành động số 56-CTr/TU để thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu, định hướng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh.

- Tạo sự chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động số 56-CTr/TU.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có; phù hợp với chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch phát triển quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình hành động số 56-CTr/TU và những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

- Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách trong Kế hoạch này, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu đến năm 2030

Tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đến năm 2030, Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, thu nhập trung bình cao, đời sống nhân dân được nâng cao; là trung tâm thương mại, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; văn hóa và con người Nghệ An mang bản sắc xứ Nghệ phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

Các chỉ tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Nghệ An gồm 30 chỉ tiêu (11 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 11 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 03 chỉ tiêu về phát triển đô thị; 05 chỉ tiêu về trình độ quản lý và bảo vệ môi trường) theo phân công nhiệm vụ thực hiện (chi tiết xem Phụ lục I kèm theo).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về công nghiệp hoá, hiện đại hoá

a) Các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng quản lý thực hiện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 56-CTr/TU đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xác định mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nội dung then chốt và xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

- Gắn công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với quy hoạch tình, quy hoạch vùng huyện; ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chủ động tham mưu, thực hiện cụ thể hoá các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phù hợp với điều kiện của tỉnh, địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện.

- Đổi mới tư duy đi tắt đón đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các bon thấp.

b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương: Tổ chức tuyên truyền các nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 56-CTr/TU tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận, quyết tâm cao ở tất cả các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân.

2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá

a) Các sở, ban ngành, địa phương: Nghiên cứu, đề nghị điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách đặc thù trên các lĩnh vực phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh như: Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics; đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ chuyển đổi số; chính sách về hỗ trợ tập trung, tích tụ ruộng đất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, phát triển kinh tế hợp tác; chính sách tín dụng cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, người nghèo,...

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, địa phương: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chí về dự án đầu tư để ưu tiên lựa chọn, thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên thu hút dự án đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thuộc các quốc gia phát triển, sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.

c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, địa phương: Tham mưu cân đối ngân sách để đảm bảo nguồn lực thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách ban hành.

3. Xây dựng ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo

[...]