Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hướng dẫn 95/HD-MTTW-BTT năm 2023 thực hiện nội dung Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 95/HD-MTTW-BTT
Ngày ban hành 04/01/2023
Ngày có hiệu lực 04/01/2023
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Trương Thị Ngọc Ánh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/HD-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2023

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 93/2021/NĐ-CP NGÀY 27/10/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ; HỖ TRỢ BỆNH NHÂN MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO

Căn cứ khoản 1, Điều 25, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP); sau khi lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc các địa phương và thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng: Văn bản này hướng dẫn đối với một số nội dung về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.

2. Đối tượng áp dụng: Văn bản này áp dụng đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Vận động cứu trợ các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Việc tổ chức kêu gọi, vận động và hưởng ứng lời kêu gọi (Điều 6)

Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại và cấp độ rủi ro thiên tai, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện được thực hiện theo các cấp độ như sau:

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, quyết định ra lời kêu gọi khi có một trong các trường hợp sau:

+ Thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trở lên hoặc trường hợp thiên tai, sự cố, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà mức độ thiệt hại lớn (có nhiều người chết, mất tích; nhiều người bị thương nặng, mắc dịch bệnh phải nằm viện điều trị, cách ly y tế tập trung; có nhiều nhà ở của người dân bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng từ 75% trở lên; có nhiều thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc có nhà cửa bị đổ, hư hỏng...) vượt quá khả năng kêu gọi, vận động của địa phương.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ra lời kêu gọi khi:

+ Thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Có mức độ thiệt hại thấp hơn các mức quy định đối với trường hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi;

- Trong trường hợp khả năng huy động nguồn lực tại địa phương không đảm bảo thì Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi lời kêu gọi các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh; hoặc có văn bản đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi.

- Ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi, trong thời hạn không quá 3 ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương có hình thức phù hợp để hưởng ứng thực hiện lời kêu gọi.

2. Về thành phần và nhiệm vụ Ban Vận động cứu trợ (Điều 7)

- Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (gọi tắt là Ban Vận động cứu trợ) được thành lập ở 4 cấp, gồm: Ban Vận động cứu trợ Trung ương, Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, Ban Vận động cứu trợ cấp huyện, Ban Vận động cứu trợ cấp xã.

- Thành phần của Ban Vận động cứu trợ:

+ Ban Vận động cứu trợ Trung ương, gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các thành viên. Đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban Thường trực; mời đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban; mời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia làm thành viên.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm Trưởng ban; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm Phó Trưởng ban; mời đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo ngành Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Hội Chữ thập đỏ, Đài Phát thanh và Truyền hình (đối với Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh), Đài truyền thanh hoặc Trung tâm truyền thông, phát thanh...(đối với Ban vận động cứu trợ cấp huyện), Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp tham gia làm thành viên.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp xã, gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã làm Trưởng ban; mời 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Phó Trưởng ban; công chức phụ trách các lĩnh vực: Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Văn hóa - Xã hội; Hội Chữ Thập đỏ tham gia làm thành viên.

Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có thể mời thêm đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia.

- Việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ:

+ Để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Vận động cứu trợ các cấp theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 93/2021/NĐ-CP, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ cùng cấp.

+ Ban Vận động cứu trợ các cấp được sử dụng con dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, cấp huyện xem xét thành lập Tổ giúp việc Ban Vận động cứu trợ cùng cấp để tham mưu thực hiện công tác vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn cứu trợ. Thành phần tham gia Tổ giúp việc là công chức của các cơ quan tham gia Ban Vận động cứu trợ, trong đó công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Tổ trưởng Tổ giúp việc.

3. Việc kéo dài thời gian vận động, tiếp nhận và phân phối (Điều 8)

[...]