UBND TỈNH NAM ĐỊNH
SỞ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 845/HD-SYT
|
Nam Định, ngày 24
tháng 08 năm 2015
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 47/2014/TT-BYT VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI
VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17
tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP
ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An
toàn thực phẩm (ATTP);
Căn cứ Thông tư số 30/2012/TT-BYT
ngày 05 tháng 1 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở
kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;
Căn cứ Thông tư số 47/2014/TT-BYT
ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh
doanh dịch vụ ăn uống (sau đây gọi tắt là Thông tư số 47/2014/TT-BYT);
Căn cứ tình hình thực tế, năng lực
quản lý ATTP tại địa phương và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Sở Y tế hướng dẫn triển khai thực
hiện Thông tư số 47/2014/TT-BYT và phân cấp quản lý ATTP đối với các cơ sở kinh
doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:
I. PHÂN CẤP QUẢN
LÝ CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thuộc Sở Y
tế, chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sau đây:
1.1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế
hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1.2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế
biến suất ăn sẵn do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) huyện,
thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh
doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
1.3. Bếp ăn tập thể, căng tin phục vụ ăn uống trong
các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất (không kể quy mô phục
vụ) và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất có quy mô từ 200 suất ăn/lần
phục vụ trở lên.
1.4. Bếp ăn tập thể, căng tin phục vụ ăn uống trong
các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Bệnh viện tuyến tỉnh.
2. UBND huyện, thành phố
UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý các
cơ sở sau đây:
2.1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế
biến suất ăn sẵn do UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) huyện, thành phố
cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất
ăn/lần phục vụ.
2.2. Bếp ăn tập thể, căng tin phục vụ ăn uống trong
các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất có quy mô dưới 200 suất
ăn/lần phục vụ.
2.3. Bếp ăn tập thể, căng tin phục vụ ăn uống trong
các trường học Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non, các
nhóm lớp trẻ tư thục, Bệnh viện tuyến huyện
3. UBND xã, phường, thị trấn
UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý
các cơ sở sau đây:
3.1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ bếp ăn tập thể, căng tin phục vụ ăn uống).
3.2. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
II. PHÂN CẤP CẤP, CẤP ĐỔI, THU HỒI
GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ATTP, KÝ BẢN CAM KẾT BẢO ĐẢM ATTP
1. Phân cấp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều
kiện ATTP (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận)
1.1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp
Giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại
điểm 1.1, điểm 1.2 mục 1 phần I hướng dẫn này.
1.2. Đề nghị UBND huyện, thành phố ủy quyền cho
Trung tâm Y tế huyện, thành phố cấp Giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh
doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại điểm 2.1 mục 2 phần I hướng dẫn này.
2. Phân cấp ký bản cam kết bảo đảm ATTP
2.1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh ký bản
cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp
quản lý được quy định tại điểm 1.3, điểm 1.4 mục 1 phần I hướng dẫn này.
2.2. Đề nghị UBND huyện, thành phố ủy quyền cho
Trung tâm Y tế huyện, thành phố ký bản cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở
kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại điểm 2.2, điểm 2.3 mục 2 phần I
hướng dẫn này.
2.3. Đề nghị UBND xã, phường, thị trấn ủy quyền cho
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn ký bản cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở
kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại mục 3 phần 1 hướng dẫn này.
3. Cấp đổi Giấy chứng nhận
3.1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp
Giấy chứng nhận và còn thời hạn nhưng thay đổi tên của cơ sở hoặc (và) đổi chủ
cơ sở hoặc (và) thay đổi địa chỉ nhưng không thay đổi vị trí và toàn bộ quy
trình kinh doanh dịch vụ ăn uống tại cơ sở thì được cấp đổi Giấy chứng nhận.
3.2. Trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận được
quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
4. Thu hồi Giấy chứng nhận
4.1. Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận: Theo
quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
4.2. Thẩm quyền thu hồi
- Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có thẩm quyền thu hồi
Giấy chứng nhận đã cấp.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp trên có thẩm quyền thu
hồi Giấy chứng nhận do cơ quan cấp dưới cấp.
III. PHÂN CẤP CẤP GIẤY XÁC NHẬN KIẾN
THỨC VỀ ATTP
1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh
Chịu trách nhiệm kiểm tra kiến thức về ATTP bằng bộ
câu hỏi đánh giá kiến thức về ATTP theo quy định; cấp Giấy xác nhận kiến thức
về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, phục vụ trong các cơ sở dịch
vụ ăn uống do tuyến tỉnh quản lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều
10, Điều 11 Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
2. Đề nghị UBND huyện, thành phố ủy quyền cho
Trung tâm Y tế huyện, thành phố
Chịu trách nhiệm kiểm tra kiến thức về ATTP bằng bộ
câu hỏi đánh giá kiến thức về ATTP theo quy định; cấp Giấy xác nhận kiến thức
về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, phục vụ trong các cơ sở dịch
vụ ăn uống do tuyến huyện và tuyến xã quản lý theo đúng trình tự, thủ tục quy
định tại Điều 10, Điều 11 thông tư số 47/2014/TT-BYT.
IV. ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hết thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp
phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo
quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
2. Cơ sở dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an
toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi
hết thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp phải thực hiện việc cam kết bảo đảm an toàn
thực phẩm với cơ quan có thẩm quyền (được quy định tại mục 2 phần II hướng dẫn
này) theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
3. Người kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp
Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP hoặc Giấy xác nhận tập huấn kiến thức
ATTP trước khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày cấp phải làm thủ tục cấp Giấy
xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định tại Điều 10 Thông tư số
47/2014/TT-BYT.
Các nội dung hướng dẫn về thủ tục hồ sơ, trình tự,
thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; hồ sơ, trình tự, thủ tục
cấp Giấy xác nhận kiến thức về ATTP; quy định về kiểm tra cơ sở được thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
Trên đây là hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư
số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế về quản lý an toàn thực phẩm đối
với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm
chỉ đạo thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị
phản ánh về Sở Y tế để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- UBND tỉnh (để b/c);
- Cục ATTP- Bộ Y tế (để b/c);
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng Y tế các huyện, thành phố;
- TTYT các huyện, thành phố;
- Chi cục ATVSTP tỉnh;
- Các cơ quan liên quan (để ph/h);
- Lưu: VT, TTra, NVY, ATTP.
|
GIÁM ĐỐC
Bùi Thị Minh Thu
|