Hướng dẫn 70-HD/BTGTW năm 2022 về tuyên truyền an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành
Số hiệu | 70-HD/BTGTW |
Ngày ban hành | 03/10/2022 |
Ngày có hiệu lực | 03/10/2022 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Ban Tuyên giáo Trung ương |
Người ký | Phan Xuân Thủy |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 70-HD/BTGTW |
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2022 |
TUYÊN TRUYỀN AN NINH MÔI TRƯỜNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC
Bảo đảm an ninh môi trường là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; an ninh môi trường vừa là nội dung cũng vừa là giải pháp của các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tác động trực tiếp tới con người, môi trường sinh thái, kinh tế, chính trị, xã hội, có mối quan hệ mật thiết với nhau; để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước đi vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền như sau:
1. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước; các mục tiêu, định hướng an ninh môi trường của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện bảo đảm an ninh môi trường, bảo vệ môi trường sống của con người, chủ động ứng phó trước các mối đe dọa về an ninh môi trường, hướng tới phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
3. Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; tiến hành thường xuyên, cập nhật nội dung, lồng ghép với tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; hành động cụ thể, thiết thực bảo đảm an ninh môi trường; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, khu vực.
1. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá để bảo đảm an ninh môi trường (bảo đảm sự an toàn của con người, bảo đảm sự ổn định về chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội trước đe dọa của môi trường sinh thái). Làm rõ các quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về an ninh môi trường phát triển bền vững đất nước; Luật Bảo vệ môi trường 2020 (khoản 1, Điều 3), xác định lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
2. Tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong công tác bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước, nhất là thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch, tái tạo, thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm môi trường... Đồng thời, chỉ rõ những mối đe dọa về an ninh môi trường nổi cộm hiện nay, như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường biển, ô nhiễm môi trường khu vực trọng điểm, suy giảm tài nguyên rừng, đa dạng sinh học,... ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây bất ổn cho phát triển kinh tế - xã hội.
3. Tuyên truyền những khó khăn, thách thức về an ninh môi trường không bảo đảm sẽ ảnh hưởng sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, như mất cân bằng sinh thái, phát triển mạnh mẽ công nghiệp hóa, đô thị hóa; ô nhiễm nguồn nước các dòng sông chính, vùng trung và hạ lưu; ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị; suy giảm hệ sinh thái rừng ảnh hưởng nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông; biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, lũ lụt, hạn hán.
Tập trung tuyên truyền về chính sách thuế bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, thị trường các - bon và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường; cổ vũ các mô hình đổi mới, sáng tạo, chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm an ninh môi trường. Phát hiện, biểu dương những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong bảo đảm an ninh môi trường.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả các nguồn lực bảo vệ môi trường (khoa học - công nghệ, kinh phí, kinh nghiệm quản lý,...), góp phần bảo đảm an ninh môi trường, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.
5. Tăng cường tuyên truyền thông tin tích cực, có định hướng; đấu tranh, phản bác lại những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng những hạn chế, bất cập về an ninh môi trường nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẻ nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương
- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước, bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, nhất là các quan điểm, chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng qua các nhiệm kỳ.
- Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể, nhất là người đứng đầu nêu cao vai trò, trách nhiệm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước; thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước các cấp bám sát thực tiễn, dự báo sớm tình trạng khi xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án chính sách, pháp luật về an ninh môi trường có tác động, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”, Nhân dân quan tâm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác tư tưởng, nhất là công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
- Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước tới cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo cùng cấp để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và đề xuất các biện pháp xử lý, kiên quyết ngăn chặn những “điểm nóng” về môi trường theo đúng tinh thần Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm.
- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường các biện pháp quản lý thông tin, tuyên truyền về môi trường trên sách báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, nhất là trên internet và mạng xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm trong việc đăng tải thông tin, tuyên truyền về an ninh môi trường.
- Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật về đề tài “an ninh môi trường”.
2. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ đoàn, hội tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an ninh môi trường; tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về an ninh môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước, cụ thể: an toàn về môi trường sống, cân bằng sinh thái cũng như bảo đảm an ninh quốc gia.
3. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam
Chỉ đạo, định hướng các hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức sáng tác, quảng bá những tác phẩm hay, có tính giáo dục, cổ động các tầng lớp Nhân dân phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái,...và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm đảm an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước.
4. Các cơ quan thông tấn báo chí
- Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương mở các chuyên mục, chuyên trang, các diễn đàn để thông tin, tuyên truyền sâu sắc, sinh động về an ninh môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước.