Hướng dẫn 5591/STC-NSQHXP năm 2013 vướng mắc, khó khăn khi thực hiện dự án, công trình xây dựng nông thôn mới do Sở Tài chính thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 5591/STC-NSQHXP
Ngày ban hành 17/10/2013
Ngày có hiệu lực 17/10/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Duy Phong
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 5591/STC-NSQHXP

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Kính gửi: UBND các Huyện, Thị xã

Sở Tài chính nhận được văn bản số 3952/UBND-TCKH ngày 11/9/2013 của UBND huyện Mê Linh về việc xin ý kiến xử lý việc chênh lệch giá vật liệu các dự án kiên cố hóa đường giao thông ngõ, xóm đạt chuẩn nông thôn mới; văn bản số 1777/UBND ngày 09/10/2013 của UBND huyện Ba Vì về việc hướng dẫn thu hồi vốn ứng trước ngân sách Thành phố năm 2013 và quyết toán kinh phí xây dựng nông thôn mới (XDNTM)…; Kiểm tra thực tế của đoàn công tác Thành phố tại các huyện, xã và phản ánh một số vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thuộc chương trình XDNTM, Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

1. Về việc xác định đơn giá thanh toán các loại vật tư:

- Thực hiện Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND Thành phố, khi triển khai thực hiện các dự án, công trình xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm; giao thông, thủy lợi nội đồng để đạt chuẩn nông thôn mới. Mức hỗ trợ từ ngân sách cấp trên (thành phố, huyện, thị xã) được căn cứ vào khối lượng vật tư được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định của nhà nước (tại Quyết định số 5682/QĐ-UBND ngày 7/12/2012 của UBND Thành phố Hà Nội). Việc xác định đơn giá thanh toán các loại vật tư được tính theo quy định của thành phố tại thời điểm thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay giá các loại vật tư ở mỗi địa phương, trên địa bàn các vùng ngoại thành Hà Nội (giữa giá công bố của Thành Phố với giá trị trường tại địa phương) có sự chênh lệch, phụ thuộc vào khối lượng vật tư cung cấp, điều kiện giao thông, địa điểm tập kết, thời điểm và cự ly vận chuyển, phương thức thanh toán,…

Căn cứ nội dung điểm đ, khoản 2 điều 25, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ, quy định: “Chủ đầu tư quyết định việc áp dụng, sử dụng giá vật liệu xây dựng công trình, giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công làm cơ sở cho việc lập đơn giá xây dựng, dự toán xây dựng công trình; tham khảo giá do các tổ chức có chức năng công bố, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự và mặt bằng giá thị trường để áp dụng cho công trình”. Như vậy, việc lập đơn giá xây dựng, dự toán xây dựng các công trình thuộc đề án XDNTM ở xã do chủ đầu tư là UBND huyện, thị xã (hoặc UBND xã) quyết định.

- Căn cứ quy định tại Điều 11, Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND Thành phố Hà Nội quy định về công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố, Liên Sở Xây dựng và Tài chính căn cứ vào tình hình thực tế để công bố giá các loại vật liệu theo quý để chủ đầu tư tham khảo hoặc quyết định áp dụng trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với các loại vật liệu là mức giá để chủ đầu tư tham khảo và chủ động khảo sát lựa chọn các loại vật liệu phù hợp với điều kiện của địa phương, có mức giá hợp lý nhằm đảm bảo quản lý chi phí đầu tư các công trình tiết kiệm, hiệu quả tránh thất thoát, đã có công văn số 878/STC-BG hướng dẫn UBND thị xã Sơn Tây về giá vật liệu xi măng xây dựng đường ngõ, xóm (theo Chương trình XDNTM).

Đề nghị UBND các huyện, thị xã căn cứ nội dung hướng dẫn trên để quyết định việc áp dụng, sử dụng giá vật liệu xây dựng công trình, quyết định đơn giá thanh toán vật tư trên địa bàn (huyện, thị xã), phù hợp với tình hình biến động giá từng thời điểm ở địa phương cho từng công trình, loại vật tư tại thời điểm thi công xây dựng.

2. Về quyết toán kinh phí ngân sách hỗ trợ xã để mua các loại vật tư:

Đối với công trình do xã hoặc thôn tự tổ chức thi công xây dựng, căn cứ vào báo cáo thiết kế thi công và dự toán được duyệt, UBND xã tổ chức mua các loại vật tư giao cho tổ, đội thi công công trình; khối lượng loại vật tư theo đúng định mức kỹ thuật quy định của nhà nước, thanh toán vật tư cho nhà cung cấp tối đa bằng đơn giá thanh toán theo quyết định của UBND các huyện, thị xã. UBND huyện, thị xã căn cứ tiến độ thực hiện để xem xét cấp kinh phí hỗ trợ tiền mua vật tư cho xã; Sau khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, UBND xã hướng dẫn các thôn hoàn tất hồ sơ chứng từ để hạch toán ghi thu, ghi chi công lao động trực tiếp, công trình đã tài trợ, diện tích đất đã hiến cho công trình…) vào ngân sách xã và lập quyết toán công trình theo quy định.

Trường hợp huyện, thị xã ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất hoặc giao cho một đơn vị cung cấp các loại vật tư (xi măng, cát, đá, sỏi) cho các xã trên địa bàn. Nhà cung cấp vật tư phải có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đồng bộ các loại vật tư cho các công trình của thôn hoặc xã đến tận nơi thi công xây dựng; UBND xã tiếp nhận vật tư theo hóa đơn của nhà cung cấp và lưu giữ hóa đơn làm căn cứ quyết toán công trình theo quy định. Căn cứ vào hóa đơn vật tư (có xác nhận của UBND xã), phòng TC - KH trình UBND huyện, thị xã cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ xã mua vật tư và hướng dẫn các xã chuyển tiền thanh toán cho nhà cung cấp theo quy định nhà nước về thanh, quyết toán vốn đầu tư XDCB.

3. Về quyết toán kinh phí lập đề án, lập quy hoạch xã nông thôn mới:

Để đảm bảo tiến độ lập đề án, lập quy hoạch XDNTM của xã theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Thành phố; từ năm 2010 đến năm 2012 ngân sách Thành phố đã bổ sung kinh phí qua ngân sách huyện, thị xã để hỗ trợ xã thực hiện công tác lập quy hoạch, lập đề án XDNTM từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế với tổng kinh phí là 218.000 triệu đồng (bình quân kinh phí lập đề án là 150 triệu đồng/xã, kinh phí lập quy hoạch là 400 triệu đồng/xã); riêng kinh phí lập quy hoạch các xã điểm được bố trí từ nguồn vốn đầu tư với tổng kinh phí là 15.382 triệu đồng. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán các khoản kinh phí trên thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó cần lưu ý:

- Đối với kinh phí lập đề án XDNTM của xã: UBND huyện, thị xã chỉ đạo các xã căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ lập đề án XDNTM của xã (hướng dẫn tại văn bản số 5234/STC-NSQH ngày 01/11/2010 của Sở Tài chính) để lập dự toán chi phục vụ công tác lập đề án theo tiêu chuẩn, định mức chi (quy định hiện hành của thành phố) gửi phòng TC-KH thẩm định và thực hiện chi ngân sách xã từ nguồn ngân sách huyện, thị xã phê duyệt, kế toán ngân sách xã lập quyết toán chi kinh phí lập đề án để tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách xã;

- Đối với kinh phí lập quy hoạch xã nông thôn mới: Căn cứ nhiệm vụ, nội dung công tác lập quy hoạch; định mức kinh phí lập quy hoạch (theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND Thành phố Hà Nội) để lập dự toán chi phục vụ công tác lập quy hoạch theo tiêu chuẩn, định mức chi (quy định hiện hành của thành phố) gửi phòng TC-KH thẩm định và thực hiện chi ngân sách xã từ nguồn ngân sách huyện, thị xã bổ sung có mục tiêu cho xã theo quy định. Sau khi đồ án quy hoạch được UBND huyện, thị xã phê duyệt, kế toán NSX lập quyết toán chi kinh phí lập quy hoạch để tổng hợp vào quyết toán chi NSX theo quy định của Luật NSNN. Đối với kinh phí lập quy hoạch của xã điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư XDCB, UBND xã thực hiện quyết toán theo quy trình quyết toán dự án đầu tư XDCB (theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính);

- Nguồn kinh phí lập đề án, lập quy hoạch ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố, phần còn lại do ngân sách huyện, thị xã và ngân sách xã chủ động tự bố trí từ ngân sách cấp mình đảm bảo; các huyện, thị xã chỉ đạo xã quyết toán dứt điểm.

4. Về việc huy động các nguồn lực triển khai các dự án (theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND Thành phố Hà Nội):

- Các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông thôn, xóm; giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã, theo phân cấp của thành phố thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện, thị xã và NSX. Quá trình triển khai thực hiện chương trình MTQG XDNTM, Thành phố đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền, đổi thửa; xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới (Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012), thực tế hiện nay, ngoài phần chi phí mua vật tư được ngân sách Thành phố, ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ, các khoản mục chi phí khác còn lại (nhân công, thiết kế kỹ thuật và dự toán, thuê thiết bị máy thi công…) do ngân sách xã và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đảm bảo.

- Trong điều kiện thu ngân sách các cấp gặp khó khăn, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán năm; vì vậy, đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã rà soát, ưu tiên tập trung đảm bảo nguồn vốn bố trí cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy lợi nội đồng (trong vùng dồn điền đổi thửa); đồng thời tích cực vận động nhân dân huy động các nguồn lực ngoài ngân sách (ủng hộ bằng tiền, vật tư, hiến đất, đóng góp ngày công tham gia lao động trực tiếp…) để thực hiện các dự án, công trình; hướng dẫn các xã kịp thời hạch toán ghi thu - ghi chi các khoản ủng hộ, đóng góp và công tác quyết toán các dự án (theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND) thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn và Công văn số 4791/STC-NSQH ngày 12/10/2012 của Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa; xây dựng kiên cố đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới.

- Đề nghị các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; Công văn số 12067/BTC-HCSN ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính về việc điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2013; số 7194/UBND-KT ngày 27/9/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về việc điều hành chi ngân sách Thành phố năm 2013; đồng thời khi triển khai các dự án khi chưa được bố trí kế hoạch vốn, nhằm hạn chế tối đa để phát sinh nợ XDCB trong xây dựng nông thôn mới ở xã.

5. Về việc hạch toán thu hồi khoản kinh phí ngân sách Thành phố ứng trước dự toán 2013 bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã để hỗ trợ các xã thực hiện chính sách theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND: Sở Tài chính sẽ phối hợp với Kho bạc nhà nước Thành phố Hà Nội, thống nhất phương pháp hạch toán để các huyện, thị xã chuyển từ tạm ứng sang thực thu, thực chi ngân sách năm 2013. Sau khi thống nhất với Kho bạc nhà nước Thành phố, Sở Tài chính sẽ có công văn hướng dẫn để huyện, thị xã thực hiện.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn bổ sung nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND TP Hà Nội; (để b/c).
- Đ/c Giám đốc Sở; (để b/c).
- Sở NN&PTNT, KH&ĐT (để ph.hợp);
- Phòng TC-KH các huyện, thị xã (để t/h).
- Lưu: VT, NSQH.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Duy Phong