Hướng dẫn 4012/HD-UBND năm 2022 về quy trình rà soát, xác định, phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 4012/HD-UBND
Ngày ban hành 14/09/2022
Ngày có hiệu lực 14/09/2022
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Thương mại,Bất động sản,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4012/HD-UBND

Ninh Thuận, ngày 14 tháng 9 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH RÀ SOÁT, XÁC ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ ĐẤT Ở, NHÀ Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ VÀ NƯỚC SINH HOẠT PHÂN TÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn Quy trình rà soát, xác định, phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình), như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này hướng dẫn Quy trình rà soát, xác định, phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 8 và Điều 10, Chương II, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Theo thứ tự ưu tiên sau:

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc danh sách các hộ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn;

- Hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động;

- Hộ nghèo sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn;

- Các đối tượng còn lại theo quy định.

3. Nguyên tắc thực hiện

- Công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, đúng nội dung, không chồng chéo, phát huy tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng. Đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân trong quá trình thụ hưởng và triển khai các nội dung Chương trình;

- Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai; phân bổ vốn tập trung, không phân tán, dàn trải, manh mún, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn;

- Bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; bảo đảm không vượt quá cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II. QUY TRÌNH RÀ SOÁT, XÁC ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG

1. Bước 1: Tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách

- Ủy ban nhân dân cấp xã (gọi chung là xã) xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định, chỉ đạo trưởng các thôn (gọi chung là thôn) thông báo về nội dung chính sách, tổ chức rà soát, tổng hợp và phân loại, lập danh sách đối tượng đăng ký thụ hưởng chính sách theo từng nội dung hỗ trợ: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán theo Phụ lục 01 và Phụ lục 3A, Phụ lục 3B (trường hợp chuyển đổi học nghề thì xác định danh sách là cá nhân thuộc hộ nghèo thuộc phạm vi, đối tượng của Chương trình).

- Thời gian thực hiện: 05 ngày làm việc.

2. Bước 2: Tổ chức họp thôn để thống nhất kết quả rà soát

- Thành phần họp thôn: Trưởng thôn (chủ trì cuộc họp) tổ chức họp thôn bình xét công khai có đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã; đại diện cấp ủy Chi bộ, tổ chức đoàn thể của thôn; các hộ gia đình trong thôn (có sự tham gia ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn); mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

- Nội dung: Lấy ý kiến về kết quả rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách theo từng nội dung hỗ trợ: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán (có sự thống nhất của trên 50% tổng số người tham dự cuộc họp). Trường hợp ý kiến thống nhất từ 50% trở xuống thì thực hiện rà soát lại theo Bước 1 và Bước 2 nêu trên.

- Trưởng thôn lập hồ sơ kết quả cuộc họp thành 02 bộ (gồm: Biên bản họp thôn theo Phụ lục 02 và Danh sách các hộ/cá nhân thụ hưởng chính sách theo Phụ lục 03 và Phụ lục 3A, Phụ lục 3B), có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp, đại diện Mặt trận, đoàn thể, cấp ủy và một số hộ dân (01 bộ do Trưởng thôn lưu, 01 bộ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã).

- Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc, sau khi hoàn thành Bước 1.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ