Hướng dẫn 4000/SYT-NVY hướng dẫn quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 4000/SYT-NVY
Ngày ban hành 29/07/2011
Ngày có hiệu lực 29/07/2011
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký ***
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4000/SYT-NVY
V/v: Hướng dẫn quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 7 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC CHUYÊN MÔN DO SỞ Y TẾ QUẢN LÝ

Căn cứ thông tư số 37/2010/TT-BYT (Bộ trưởng Bộ Y tế ký ngày 16/8/2010) Quy định về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế.

Căn cứ Quyết định 661/QĐ-BYT (Bộ trưởng Bộ Y tế ký ngày 27/2/2008) và Quy chế của Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học - Bộ Y tế (nhiệm kỳ 2008 – 2012),

Căn cứ Quyết định 3187/QĐ-UBND ngày 20/7/2007 của UBND TP.HCM về việc ban hành Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 44 /2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 Liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước;

Nhằm chuẩn hoá, cập nhật và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành y tế góp phần làm đòn bẩy phát triển, ứng dụng vào thực tế trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân TP.HCM,

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học như sau:

1. Phạm vi áp dụng:

Hướng dẫn này áp dụng cho việc quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của các Đơn vị trực thuộc quản lý của Sở Y tế (SYT).

2. Những qui định chung:

• Các Đơn vị có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực khoa học và công nghệ của đề tài đều có quyền tham gia đăng ký chủ trì đề tài đó.

• Tất cả các đề tài NCKH, trước khi thực hiện, đều phải thông qua Hội đồng Khoa học để đánh giá, xét duyệt và nghiệm thu về mặt khoa học (gọi là Hội đồng (xét duyệt / nghiệm thu); Riêng các đề tài mà đối tượng nghiên cứu là con người – đặc biệt là các Thử nghiệm lâm sàng – thì phải thông qua sự chấp thuận bằng văn bản của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (HĐĐĐ).

• SYT thành lập HĐĐĐ để đánh giá về đạo đức của các đề tài mà đối tượng nghiên cứu là con người. Các Đơn vị cơ sở (Viện, BV, Trung tâm, ..) thành lập HĐĐĐ để đánh giá về đạo đức của các đề tài cấp cơ sở mình thực hiện. Đối với các Đơn vị chưa đủ điều kiện thành lập HĐĐĐ cơ sở thì có thể gởi hồ sơ cho HĐĐĐ SYT đánh giá hoặc cho Đơn vị cơ sở khác (có liên quan chuyên môn trực tiếp đến nội dung đề tài cần xét duyệt và HĐĐĐ của Đơn vị đó đã được sự SYT thẩm định cho phép) để đánh giá.

• Mỗi đề tài chỉ có tối đa 02 đồng chủ nhiệm.

• Đối với đề tài sử dụng kinh phí một phần hoặc toàn phần từ nguồn ngân sách sự nghiệp của Đơn vị, thì mỗi cá nhân không đồng thời làm chủ nhiệm hoặc đồng chủ nhiệm nhiều hơn 02 đề tài (cho đến khi nghiệm thu và quyết toán xong).

• Đối với đề tài sử dụng kinh phí toàn phần từ nguồn từ tài trợ (hợp tác quốc tế, công ty, … ) thì mỗi cá nhân có thể đồng thời làm chủ nhiệm hoặc đồng chủ nhiệm nhiều hơn 02 đề tài, nhưng tối đa cũng không được quá 04 đề tài (cho đến khi nghiệm thu và quyết toán xong).

• Cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài phải có chuyên môn cùng lĩnh vực chuyên môn mà mình đăng ký (được đào tạo hoặc làm việc ít nhất 3 năm trong lĩnh vực đó) hoặc liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ đăng ký (kèm theo điều kiện đội ngũ cộng tác viên tham gia đề tài phải có chuyên môn phù hợp).

• Cá nhân có tên trong danh sách những người tham gia đề tài nghiên cứu nào thì không được có tên trong danh sách Hội đồng xét duyệt / nghiệm thu đề tài nghiên cứu đó.

• Mỗi Đơn vị được đồng thời chủ trì nhiều đề tài phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Đơn vị và phải đảm bảo có đủ số lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện các đề tài. Mỗi đề tài chỉ có một Đơn vị chủ trì thực hiện. Nếu có hơn 1 Đơn vị cùng hợp tác triển khai 1 đề tài, thì cũng chỉ có 1 Đơn vị là chủ trì đề tài và các Đơn vị khác là những Đơn vị hợp tác.

• Đề tài có cùng nội dung nghiên cứu, không được đăng ký ở nhiều nơi để nhận thêm kinh phí nghiên cứu.

• Đề cương nghiên cứu, báo cáo nghiệm thu được bảo vệ tối đa 2 lần.

• Thời gian thực hiện đề tài trong lĩnh vực y tế không quá 36 tháng tính từ khi ký kết hợp đồng NCKH. Các trường hợp đặc biệt do Giám đốc Sở Y tế quyết định.

Cá nhân đăng ký thực hiện đề tài bị trễ hạn quá 18 tháng chưa nghiệm thu, chưa quyết toán (không chứng minh được lý do khách quan) sẽ không được đăng ký thực hiện đề tài trong 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm nghiệm thu hoặc thanh lý và quyết toán kinh phí, hoặc bị xuất toán thu hồi lại kinh phí đã cấp.

Các Đơn vị có 3 đề tài, dự án trễ hạn hoặc không quyết toán kinh phí trên 18 tháng trở lên thì không được đăng ký chủ trì đề tài, dự án trong 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm nghiệm thu hoặc thanh lý và quyết toán kinh phí, hoặc bị xuất toán thu hồi lại kinh phí đã cấp.

• SYT có chức năng giám sát (đột xuất, thường xuyên) mọi đề tài NCKH do các Đơn vị trực thuộc thực hiện, SYT có quyền ra quyết định / hoặc đề xuất (đối với đề tài cấp Bộ / Tỉnh trở lên) đình chỉ việc thực hiện đề tài nếu vi phạm các qui định hiện hành về NCKH.

• Tất cả các đề tài NCKH do các Đơn vị trực thuộc thực hiện đều phải báo cáo SYT. Tùy qui mô, tính chất và cấp độ đề tài mà có qui trình báo cáo riêng theo hướng dẫn.

[...]