Hướng dẫn 2539/NHCS-TD năm 2008 về quy trình thủ tục cho vay giải quyết việc làm của Quỹ Quốc gia về việc làm do Ngân hàng Chính sách Xã hội ban hành

Số hiệu 2539/NHCS-TD
Ngày ban hành 16/09/2008
Ngày có hiệu lực 16/09/2008
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Văn Lý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 2539/NHCS-TD

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH THỦ TỤC CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CỦA QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM

Căn cứ Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm; Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg;
Căn cứ Thông tư hướng dẫn số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư số 14) ngày 29/7/2008 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn quy trình thủ tục cho vay giải quyết việc làm của Quỹ Quốc gia về việc làm như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

1. Đối tượng được vay vốn giải quyết việc làm bao gồm:

1.1. Hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp sản xuất, hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trang trại; Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh).

1.2. Hộ gia đình.

2. Điều kiện vay vốn:

2.1. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh

- Phải có dự án vay vốn khả thi, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

- Dự án phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan thực hiện chương trình ở địa phương nơi thực hiện dự án xác nhận;

- Đối với dự án có mức vay trên 30 triệu đồng phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay theo văn bản hướng dẫn của NHCSXH.

2.2. Đối với hộ gia đình

- Phải đảm bảo tạo thêm tối thiểu 01 chỗ làm việc mới;

- Phải có dự án vay vốn được UBND cấp xã hoặc cơ quan thực hiện chương trình ở địa phương nơi thực hiện dự án;

- Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

3. Mức cho vay:

Mức cho vay đối với từng cơ sở sản xuất kinh doanh, từng hộ gia đình được xác định căn cứ vào nhu cầu vay, vốn tự có và khả năng hoàn trả nợ của từng cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nhưng không quá mức cho vay tối đa theo quy định sau:

- Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh: mức cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được thu hút mới;

- Đối với hộ gia đình: mức cho vay tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình.

4. Thời hạn cho vay:

4.1. Thời hạn cho vay tối đa 12 tháng áp dụng đối với:

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm;

- Trồng cây lương thực, hoa màu có thời gian sinh trưởng dưới 12 tháng;

- Dịch vụ, kinh doanh nhỏ.

4.2. Thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 24 tháng áp dụng đối với:

- Trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu có thời gian sinh trưởng trên 12 tháng;

[...]