Hướng dẫn 23/HD-VKSTC năm 2022 về kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 23/HD-VKSTC |
Ngày ban hành | 31/03/2022 |
Ngày có hiệu lực | 31/03/2022 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Lương Minh Thống |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/HD-VKSTC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2022 |
KIỂM SÁT VIỆC HOÃN, TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022; Hướng dẫn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022 của VKSND tối cao (Vụ 8). Trên cơ sở quản lý, tổng hợp kết quả kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, VKSND tối cao (Vụ 8) nhận thấy:
Về cơ bản, VKSND các địa phương đã chủ động phối hợp với Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) và UBND cấp xã kiểm sát chặt chẽ việc xem xét quyết định và thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trên địa bàn; các trường hợp được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhìn chung đều đảm bảo căn cứ, điều kiện, đối tượng, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật; tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Nhiều Viện kiểm sát địa phương chưa thực hiện đúng hướng dẫn của VKSND tối cao (Vụ 8) về báo cáo kết quả công tác kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nhiều trường hợp Tòa án quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không đúng đối tượng, có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục nhưng không kịp thời được phát hiện để kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị theo thẩm quyền, việc kháng nghị chưa thực hiện theo đúng quy định; công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp người được hoàn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vi phạm pháp luật, tự ý đi khỏi địa phương hoặc lợi dụng được hoãn, tạm đình chỉ để trốn tránh việc chấp hành án phạt tù nhưng chưa được phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý; đáng chú ý, có một số trường hợp làm bệnh án giả để xin hoãn chấp hành án trái pháp luật xảy ra tại một số địa phương.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, VKSND tối cao (Vụ 8) hướng dẫn VKSND địa phương khi tiến hành kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cần lưu ý thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
1. Kiểm sát việc xem xét quyết định hoãn, tạm đình chỉ
1.1. Kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng, thẩm quyền, thời hạn Tòa án xem xét, giải quyết việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù ngay từ giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị; đảm bảo việc xem xét, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Tòa án đúng quy định tại Điều 67, Điều 68 Bộ luật Hình sự; Điều 24, Điều 36 Luật Thi hành án hình sự; các điều 4, 5 và 6 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP- BYT ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế; các điều 5, 6 và 7 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 (Thông tư liên tịch số 01/2021); các điều 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 (Thông tư liên tịch số 02/2021) của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Ngay sau khi nhận được thông báo của Tòa án cùng cấp về xem xét việc hoãn chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát phải có văn bản yêu cầu Tòa án cùng cấp sao gửi hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2021 (trường hợp hoãn không do VKSND đề nghị). Sau khi nhận được hồ sơ hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do cơ quan có thẩm quyền sao gửi, Viện kiểm sát phải phân công ngay Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập hồ sơ kiểm sát, kiểm sát căn cứ, thẩm quyền, đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nguồn gốc, tính hợp pháp của từng văn bản, tài liệu có trong hồ sơ.
Trường hợp phát hiện văn bản, tài liệu về điều kiện hoãn, điều kiện tạm đình chỉ không phản ánh đúng thực tế khách quan, có dấu hiệu bị làm giả thì tiến hành xác minh, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình hoặc chuyển những thông tin, tài liệu đó đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh, điều tra làm rõ (nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự).
Trường hợp văn bản, tài liệu có trong hồ sơ đề nghị xét hoãn, tạm đình chỉ đã đầy đủ, thỏa mãn điều kiện theo quy định thì có văn bản đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trường hợp chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc, chưa rõ theo quy định thì phối hợp, yêu cầu để kịp thời bổ sung, giải trình. Trường hợp không thỏa mãn điều kiện hoãn, tạm đình chỉ thì có văn bản đề nghị Tòa án cùng cấp không chấp nhận đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
1.2. Khi phát hiện thấy người đang chấp hành án phạt tù; người chờ chấp hành án đã có quyết định thi hành án phạt tù; phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử (không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác) tại các cơ sở giam giữ; người bị kết án phạt tù đang tại ngoại đủ điều kiện được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc tự mình đề nghị Tòa án có thẩm quyền xét, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 24, Điều 36 Luật Thi hành án hình sự; Điều 67, Điều 68 Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp Viện kiểm sát đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Viện kiểm sát có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2021; Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2021 và phải chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý, tính chính xác, nguồn gốc của từng văn bản, tài liệu có trong hồ sơ đề nghị; có trách nhiệm phối hợp với Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định khi có yêu cầu bổ sung tài liệu.
1.3. Kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án gửi quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 3 Điều 24 và Điều 37 Luật Thi hành án hình sự. Ngay sau khi nhận được quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát căn cứ ban hành, nội dung, hình thức Quyết định; kịp thời phát hiện những vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền hoặc không thỏa mãn điều kiện hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị theo thẩm quyền; đồng thời, báo cáo VKSND tối cao (Vụ 8) để quản lý, chỉ đạo.
1.4. Đối với trường hợp Tòa án hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát ngay căn cứ, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét quyết định; khi cần thiết có thể xác minh hoặc ủy thác cho Viện kiểm sát nơi khác tiến hành xác minh nhằm kịp thời phát hiện quyết định hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để kháng nghị theo quy định tại khoản 5 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự.
2. Kiểm sát việc thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án
2.1. VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm sao gửi quyết định hoãn, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do TAND cùng cấp ban hành và thông báo bằng văn bản cho VKSND cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án cư trú để kiểm sát việc thi hành.
Ngay sau khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát cấp huyện nơi người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cư trú phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát Cơ quan THAHS Công an cùng cấp trong việc: Tiếp nhận, sao gửi quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; bàn giao hồ sơ, giao người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho UBND cấp xã nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cư trú; triệu tập người được hoãn chấp hành án phạt tù để thông báo quyết định hoãn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nhất là trường hợp người được hoãn chấp hành án vì lý do bị bệnh nặng đang điều trị bệnh không thể có mặt theo yêu cầu triệu tập. Khi thực hiện kiểm sát, phải kịp thời phát hiện những trường hợp cố tình vắng mặt, không cam kết, bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án để yêu cầu lập hồ sơ, đề nghị Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ xét hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
2.2. Chủ động tiến hành rà soát, xác minh hoặc ủy thác xác minh điều kiện hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, nhất là các đối tượng được hoãn chấp hành án phạt tù với lý do bị bệnh nặng, là lao động duy nhất, có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi..., kịp thời phát hiện những trường hợp điều kiện hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không còn để tự mình yêu cầu hoặc yêu cầu Cơ quan THAHS đề nghị Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù xem xét hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, cụ thể:
Đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án vì lý do bệnh nặng, VKSND cấp huyện phải kiểm sát chặt chẽ việc điều trị bệnh của người đó, kịp thời phát hiện trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ vì lý do bệnh nặng nhưng cố tình không chữa bệnh, hoặc đã phục hồi song vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án; lợi dụng việc chữa bệnh để đi khỏi nơi cư trú hoặc lợi dụng việc chữa bệnh để vi phạm pháp luật thì có văn bản yêu cầu Cơ quan THAHS trưng cầu giám định y khoa để xác định tình trạng bệnh của người đó làm cơ sở đưa đi chấp hành án hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để đưa người đó đi chấp hành án.
Đối với trường hợp là lao động duy nhất, phải xác định rõ quan hệ gia đình của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; tình trạng sức khoẻ, khả năng lao động, nguồn thu nhập của những người mà họ là người duy nhất có trách nhiệm trực tiếp phải nuôi dưỡng; công việc thực tế, thu nhập hợp pháp sau khi được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù... Kịp thời phát hiện trường hợp không phải là lao động duy nhất hoặc sau khi được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án nhưng những người được hoãn, tạm đình chỉ không chịu làm việc để có thu nhập hợp pháp nuôi sống bản thân và gia đình hoặc không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng..., yêu cầu Cơ quan THAHS đưa đi chấp hành án hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để đưa người đó đi chấp hành án.
Đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có dấu hiệu bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, VKSND cấp huyện phải kiểm sát chặt chẽ cơ quan THAHS Công an cùng cấp về Trình tự, thủ tục trưng cầu giám định pháp y tâm thần, nguồn gốc và tính hợp pháp của các tài liệu có trong hồ sơ trưng cầu giám định pháp y tâm thần; kiểm sát căn cứ Tòa án hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và việc ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; đồng thời báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để quản lý, chỉ đạo.
VKSND cấp huyện kiểm sát chặt chẽ việc đưa người không còn điều kiện hoãn, tạm đình chỉ, người không được chấp nhận hoãn, tạm đình chỉ, người bị Tòa án hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đi chấp hành án; trường hợp bỏ trốn thì yêu cầu Cơ quan THAHS cùng cấp báo cáo Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.
3. Kiểm sát việc quản lý, giám sát người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
3.1. Viện kiểm sát có thẩm quyền phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định, hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Tòa án và kiểm sát Cơ quan THAHS trong việc thi hành quyết định hoàn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công tiến hành kiểm sát có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm sát, lập phiếu kiểm sát nêu rõ quan điểm đề xuất có phê duyệt của lãnh đạo Viện; báo cáo ngay lãnh đạo Viện những vấn đề phát sinh, những vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm sát để kịp thời chỉ đạo.
3.2. VKSND cấp tỉnh chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra VKSND cấp huyện kiểm sát việc quản lý, giám sát người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với UBND cấp xã trong quản lý, giám sát người được hoãn, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
3.3. VKSND cấp huyện chủ động phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm tốt công tác quản lý tình hình chấp hành pháp luật của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn. Kiểm sát chặt chẽ UBND cấp xã trong việc cho người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đi khỏi nơi cư trú và xử lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án khi họ có hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
4. Việc kháng nghị quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù