Hướng dẫn 22-HD/BTCTW năm 2013 kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết về xây dựng Đảng do Ban Tổ chức ban hành

Số hiệu 22-HD/BTCTW
Ngày ban hành 04/11/2013
Ngày có hiệu lực 04/11/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương Đảng
Người ký Tô Huy Rứa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 22-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

VIỆC KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH NĂM 2013 GẮN VỚI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI) VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân hằng năm gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, sau khi trao đổi, xin ý kiến một số địa phương, cơ quan, đơn vị và báo cáo Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện kiểm điểm năm 2013 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể; chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; nâng chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên một cách thực chất hơn và góp phần cải cách hành chính trong sinh hoạt Đảng.

2. Chỉ đạo kiểm điểm chặt chẽ, đúng nguyên tắc; tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, phát huy tính tự giác, trung thực, khách quan, tránh hình thức; đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể và đánh giá cán bộ, đảng viên, làm căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Đối tượng kiểm điểm

1.1. Tập thể: Các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở.

1.2. Cá nhân: Đảng viên trong toàn Đảng, trừ đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng.

2. Nội dung kiểm điểm

2.1. Đối với tập thể:

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân.

- Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng nhất là trong công tác cán bộ; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; việc đổi mới phương thức lãnh đạo,  xây dựng và thực hiện quy định, quy chế làm việc của tập thể lãnh đạo; biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý sai phạm đối với tổ chức và cá nhân.

- Kết quả thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những vấn đề phát sinh sau kiểm điểm; chủ trương, biện pháp phát hiện, giáo dục, đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của tập thể và cá nhân thuộc cấp mình quản lý; vấn đề phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ trong tập thể lãnh đạo; kết quả công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

2.2. Đối với cá nhân:

a) Đối với đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

- Về tư tưởng chính trị: Sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; việc chấp hành, bảo vệ, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức, trách nhiệm và thái độ trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng; tinh thần học tập nâng cao trình độ, hiểu biết và năng lực công tác của bản thân.

- Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tinh thần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, nói không đi đôi với làm; đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; việc giữ gìn đạo đức, lối sống và phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của người đảng viên; việc chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm; tính trung thực, khách quan trong tự phê bình, phê bình và xây dựng đoàn kết nội bộ.

- Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: Tinh thần trách nhiệm, kết quả và mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Về ý thức tổ chức kỷ luật: Việc chấp hành sự phân công của tổ chức; ý thức chấp hành quy chế, quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị và ở nơi cư trú; tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và tự sửa chữa khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình; việc thực hiện chế độ sinh hoạt đảng.

b) Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

- Về tư tưởng chính trị: Sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; ý thức chấp hành, bảo vệ, quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thái độ và tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng của bản thân và cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý; tinh thần học tập nâng cao trình độ, hiểu biết và năng lực công tác.

- Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Kết quả rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân và trách nhiệm vận động cán bộ, đảng viên trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, nói không đi đôi với làm; trong giữ gìn đạo đức, lối sống và phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm; tính trung thực, khách quan trong tự phê bình, phê bình và xây dựng đoàn kết nội bộ.

- Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: Kết quả và mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng nhất là trong bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ; trách nhiệm cá nhân đối với những khuyết điểm, yếu kém của tập thể trong công tác cán bộ và trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội…; việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo; việc đổi mới phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc; có hay không việc lợi dụng danh nghĩa của tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân, để người thân lợi dụng chức vụ để trục lợi; có hay không biểu hiện về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

- Về ý thức tổ chức kỷ luật: Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng; chấp hành sự phân công của tổ chức; tinh thần gương mẫu chấp hành và lãnh đạo thực hiện tốt quy chế, quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú; ý thức lắng nghe, tiếp thu và tự sửa chữa khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình; việc thực hiện chế độ sinh hoạt đảng.

- Kiểm điểm việc tiếp thu, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có) được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những vấn đề mới phát sinh (nếu có).

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ