Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hướng dẫn 11/HD-BTCTW về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" do Ban Tổ chức Trung ương ban hành

Số hiệu 11/HD-BTCTW
Ngày ban hành 14/03/2012
Ngày có hiệu lực 14/03/2012
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương Đảng
Người ký Tô Huy Rứa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 11/HD-BTCTW

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

VỀ KIỂM ĐIỂM, TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH THEO KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XI "MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY"

Triển khai Kế hoạch của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP

- Mục đích kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

- Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để "đấu đá", trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo.

- Thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu, phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn.

- Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở, từ cán bộ cấp cao đến từng đảng viên, từ đảng viên đương chức đến đảng viên đã nghỉ hưu, phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, có dũng khí tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm; phải thực sự cầu thị, khách quan với ý thức xây dựng trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

- Tiến hành kiểm điểm với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; tự phê bình và phê bình phải vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa phải có tính thuyết phục, có lý, có tình; kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm.

- Cấp trên gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ.

II. NỘI DUNG, CÁCH LÀM VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

A. ĐỐI TƯỢNG KIỂM ĐIỂM VÀ NƠI KIỂM ĐIỂM

1. Đối tượng kiểm điểm: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

2. Nơi kiểm điểm:

- Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng kiểm điểm ở tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ở ban thường vụ cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng hoặc tập thể lãnh đạo (nơi không có đảng đoàn, ban cán sự đảng), ở chi bộ đang sinh hoạt.

- Các đồng chí cấp uỷ viên kiểm điểm ở ban thường vụ (nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm ở cấp uỷ) hoặc ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan (nơi không có ban cán sự đảng, đảng đoàn) và ở chi bộ.

- Các đồng chí đảng viên khác kiểm điểm ở chi bộ đang sinh hoạt.

Ghi chú: Ngoài những nơi kiểm điểm nêu trên, đảng viên tham gia các tổ chức khác với cương vị là người đứng đầu thì kiểm điểm ở tập thể lãnh đạo các tổ chức đó về trách nhiệm của cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo tổ chức đó.

B. NỘI DUNG KIỂM ĐIỂM

Căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; làm rõ tại sao những khuyết điểm, yếu kém đã chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục, có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm:

(1). Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

- Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với con đường xã hội chủ nghĩa, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tác tổ chức sinh hoạt đảng; là dao động, mơ hồ, mất phương hướng, cho rằng theo con đường nào, xã hội nào cũng được, phụ hoạ theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; là nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, thậm chí a dua, xuyên tạc, bôi đen…

- Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; là cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp…; là đố kỵ, kèn cựa địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; là quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; là kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc.

Kiểm điểm, làm rõ những biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; kiểm điểm việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái.

(2). Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kiểm điểm làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ. Kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Làm rõ tình trạng có phải vì người mà sinh thêm tổ chức, sinh thêm chỉ tiêu, biên chế không? Có tình trạng độc đoán, mất dân chủ, cục bộ địa phương trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không? Có tác động hoặc bị tác động trong bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với những người thân, quen không? Đã thực sự kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong công tác cán bộ chưa? Xác định trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ.

(3). Về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Kiểm điểm chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Việc cụ thể hoá và thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” như thế nào? Làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và nhất là quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong công tác cán bộ, trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, trong quản lý tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, tài nguyên, khoáng sản, đất đai…, trong đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ bản, giao thông, thuỷ lợi, sản xuất, kinh doanh... Có tình trạng lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân không? Có biểu hiện thành tích thì gắn cho cá nhân, khuyết điểm lại đổ tại tập thể không? Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.

[...]