Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Hướng dẫn 1560/HD-TLĐ năm 2019 thực hiện tham gia kiểm tra, giám sát của công đoàn về chấp hành quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1560/HD-TLĐ
Ngày ban hành 08/10/2019
Ngày có hiệu lực 08/10/2019
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1560/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2019

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN VIỆC THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN VỀ CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định về công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn thực hiện việc tham gia kiểm tra, giám sát của công đoàn về chấp hành quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CÔNG ĐOÀN THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Mục đích

Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Công đoàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động; góp phần thực hiện chức năng tham gia quản lý nhà nước, bảo vệ đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

2. Yêu cầu

Việc Công đoàn tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát được thực hiện theo kế hoạch, chương trình phối hợp công tác giữa Công đoàn với các cơ quan, tổ chức đó, bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên và đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của đối tượng kiểm tra. Các cấp công đoàn cần phải chủ động đề xuất nội dung, cử cán bộ tham gia khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát có nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, BHXH, BHYT và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động...

II. NỘI DUNG THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Theo Điều 10 Hiến pháp ngày 28 tháng 11 năm 2013 quy định: Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

2. Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 14 Luật Công đoàn (năm 2012): Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp:

- Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều này, Công đoàn có quyền sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan;

+ Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;

+ Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.

3. Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thuế, thanh tra lao động cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.

III. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Kế hoạch kiểm tra, giám sát

Căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chương trình công tác đã được Ban chấp hành thông qua, hàng năm, Công đoàn các cấp tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Kế hoạch kiểm tra, giám sát cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, qua quá trình làm việc, theo dõi, nếu thấy cơ quan, tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động thì tổ chức công đoàn chủ động đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để lập đoàn kiểm tra, giám sát.

2. Quyết định kiểm tra, giám sát

- Quyết định kiểm tra, giám sát do cơ quan chức năng của nhà nước có thẩm quyền ban hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm hoặc theo đề nghị của tổ chức công đoàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

- Quyết định kiểm tra, giám sát bằng văn bản phải được gửi cho đối tượng kiểm tra, giám sát.

- Quyết định kiểm tra, giám sát phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giám sát bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát;

+ Đối tượng kiểm tra, giám sát;

+ Nội dung, phạm vi kiểm tra, giám sát;

+ Thời gian kiểm tra, giám sát;

[...]