Hướng dẫn 149/HD-TLĐ năm 2015 về việc xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 149/HD-TLĐ
Ngày ban hành 04/02/2015
Ngày có hiệu lực 04/02/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

“VÌ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN”

Căn cứ Quy chế khen thưởng của tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1564/QĐ-TLĐ ngày 24/12/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” như sau:

I - HÌNH THỨC, MỤC ĐÍCH TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” là hình thức khen thưởng của tổ chức Công đoàn Việt Nam để tặng và ghi nhận công lao, cống hiến của các cá nhân đã có nhiều thành tích góp phần xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam.

II - NGUYÊN TẮC XÉT VÀ TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” được xét tặng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7), hoặc đại hội công đoàn từ cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trở lên. Các trường hợp đột xuất khác do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét quyết định.

2. Việc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và trao tặng Kỷ niệm chương được quy định tại hướng dẫn này phải đảm bảo chính xác, công bằng, dân chủ, công khai và kịp thời.

3. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” được tặng một lần cho các cá nhân. Những người đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” thì không xét tặng Kỷ niệm chương.

4. Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật. Thời gian chịu hình thức kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.

5. Chưa xem xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc liên quan đến các vụ án mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

III. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

1. Đối tượng, tiêu chuẩn

a. Cá nhân công tác trong tổ chức công đoàn:

- Cán bộ công đoàn chuyên trách và ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở trở lên có thời gian công tác công đoàn liên tục, hoặc không liên tục cộng dồn từ đủ 20 năm công tác công đoàn trở lên. Thời gian tham gia công tác công đoàn không chuyên trách được nhân hệ số 1,5 để tính xét tặng; thời gian tham gia công tác công đoàn không chuyên trách trong các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được nhân hệ số 2 để tính xét tặng.

- Cán bộ là ủy viên ban chấp hành liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn liên tục 02 khóa.

- Cán bộ công đoàn giữ chức danh Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn trọn 01 khóa.

- Công chức, viên chức có từ đủ 25 năm trở lên (liên tục hoặc cộng dồn) làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn các cấp.

- Cán bộ lãnh đạo từ trưởng phòng, ban trở lên có từ đủ 25 năm trở lên (liên tục hoặc cộng dồn) làm việc tại các doanh nghiệp thuộc tổ chức công đoàn.

b. Cá nhân có công lao đóng góp xây dựng tổ chức công đoàn

Cá nhân có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp công tác, hoặc hỗ trợ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn có thời gian giữ chức vụ từ đủ 5 năm trở lên gồm:

- Cấp cơ sở: Bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch hội đồng quản trị; giám đốc, hiệu trưởng; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các đơn vị, doanh nghiệp có số lượng từ 1000 đoàn viên công đoàn trở lên.

- Cấp huyện và tương đương (gọi chung là cấp huyện): Bí thư, phó bí thư huyện ủy; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân huyện; chức danh cấp trưởng Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện.

- Cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp tỉnh):

+ Bí thư, phó bí thư, thường vụ tỉnh ủy, trưởng các ban Đảng và tương đương.

+ Chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chức danh cấp trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội.

+ Giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương.

- Cấp Trung ương: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bộ trưởng, thứ trưởng; trưởng, phó các ban của Đảng; bí thư, phó bí thư Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; vụ trưởng, cục trưởng; viện trưởng và tương đương trở lên.

[...]