Hướng dẫn 117/TĐKT năm 2004 thực hiện Chỉ thị 26/2003/CT-TTg ề việc hoàn thành giải quyết tồn đọng công tác khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến do Viện Thi đua-Khen thưởng Nhà nước ban hành
Số hiệu | 117/TĐKT |
Ngày ban hành | 19/02/2004 |
Ngày có hiệu lực | 19/02/2004 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Viện Thi đua, Khen thưởng Nhà nước |
Người ký | Cao Kim Hường |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VIỆN
THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 117/TĐKT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 2004 |
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/2003/CT-TTG NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC HOÀN THÀNH GIẢI QUYẾT TỒN ĐỌNG CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ. |
Để giải quyết dứt điểm những trường hợp tồn đọng trong công tác khen thưởng tổng kết thành tích tham gia sự nghiệp cách mạnh giải phóng dân tộc, ngày 24 tháng 11 năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 26/2003/CT-TTg giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tiếp tục tổ chức rà soát, thẩm định hồ sơ trình Nhà nước khen thưởng, hạn cuối cùng là ngày 31 tháng 12 năm 2004.
Qua tình hình mấy tháng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương có những vấn đề băn khoăn, thắc mắc, Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước xin hướng dẫn thêm một số điểm sau:
a. Điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng thành tích kháng chiến chủ yếu dựa vào thâm niên phục vụ kháng chiến và thâm niên chức vụ đã đảm nhiệm. Để việc khen thưởng không trùng, không sót, ngay từ khi triển khai chính sách, Viện Huân chương trước đây (nay là Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước) đã hướng dẫn các cấp, các ngành xây dựng án tổ chức nhân sự trong kháng chiến, lịch sử phát triển phong trào cách mạng trước tháng 8 năm 1945 để làm căn cứ thẩm định hồ sơ khen thưởng. Việc làm này đã được hầu hết cá nơi thực hiện công phu, nghiêm túc và trở thành tài liệu lâu dài phục vụ cho việc thẩm định hồ sơ, giải quyết khiếu nại.
Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa danh sách cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp xã là căn cứ duy nhất để thẩm định hồ sơ, bảo đảm độ chính xác, công bằng. Cách thức làm như nêu trong Chỉ thị là bảo đảm tính khoa học, bảo đảm công khai, dân chủ, không trùng, không sót, đồng thời loại bỏ được các trường hợp cố tình khai không đúng sự thật và cố tình hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến xác nhận sai sự thật, gây khó khăn cho việc xét duyệt hồ sơ (nhất là trong điều kiện khen kèm theo ưu đãi vật chất như hiện nay).
Danh sách cán bộ chủ chốt, trưởng các ban, ngành, đoàn thể nêu trên phải được cấp huyện, quận xác nhận và gửi kèm cùng hồ sơ trình Chính phủ (khi trình khen cho những đối tượng này). Quy định này là để tránh tình trạng như đã từng diễn ra những năm qua (hồ sơ ghi rõ căn cứ danh sách cán bộ, căn cứ lịch sử tổ chức nhân sự của xã, xác nhận của ông A bà B... nhưng đến khi xuống xã, phường kiểm tra thì không có hồ sơ danh sách, không có lịch sử tổ chức nhân sự).
b. Với các đối tượng nêu trong điểm b, mục 3 của Chỉ thị, khi triển khai đại trà khen chống Pháp (1961), khen chống Mỹ (1982) đã cơ bản kê khai khen thưởng. Nội dung kê khai lúc đó đã được thẩm định qua lịch sử tổ chức nhân sự (với các tỉnh đồng bằng) hoặc xác nhận qua Hội nghị cán bộ lão thành, cán bộ kháng chiến (với các tỉnh miền núi). Số kê khai sót lúc đó hầu như không có hoặc có thì rời vào trường hợp có tham gia nhưng không đủ thời gian theo quy định nên Hội đồng không đề nghị khen thưởng. Nhiều trường hợp thuộc diện này, khi có chế độ ưu đãi đã khiếu nại, đề nghị cho khai thêm, khai bổ sung để được khen hoặc nâng mức khen (kèm theo mức khen là chế độ ưu đãi). Những trường hợp này Chỉ thị nêu rõ “nay không đặt vấn đề xem xét lại”. Đề nghị các cấp thực hiện nghiêm tinh thần này và giải thích cặn kẽ cho nhân dân hiểu.
c. Điểm c trong Chỉ thị quy định: “đối với các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Bình trở vào) không đặt vấn đề tiếp tục xem xét khen thưởng thành tích kháng chiến chông Pháp, thành tích nhân dân giúp đỡ cách mạng trước tháng 8 năm 1945, trừ những trường hợp thật đặc biệt, có lý do khách quan, chính đáng, thành tích rõ ràng, có đủ căn cứ”. Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước xin nói rõ thêm:
Những trường hợp đặc biệt là những trường hợp ngay sau hoà bình (1954) có sự chuyển đổi nơi cứ trú đến các vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện trở lại địa phương cũ để làm thủ tục khen thưởng hoặc đã chết nhưng thân nhân chưa khai báo thay để làm khen thưởng. Những trường hợp “đặc biệt” như vậy và tương tự như vậy Chỉ thị cho được tiếp tục làm nhưng phải có lý do chính đáng, thành tích rõ ràng, có đủ căn cứ theo quy định. Những trường hợp này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, huyện, tỉnh phải xác định rõ, nếu bảo đảm đủ 3 điều kiện nêu trên mới ký trình khen và chịu trách nhiệm về đề nghị của mình. Cách giải quyết này cũng áp dụng cho những trường hợp tương tự trong khen thưởng chống Mỹ. Xin nhắc lại: Chủ tịch xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm về đề nghị của mình khi trình lên cấp trên.
d. Với các trường hợp có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở các tỉnh, thành phố phía Nam, nay không còn cán bộ cũ đẻ xác nhận thành tích theo mẫu quy định thì cách giải quyết như đã nêu trong Chỉ thị. Những trường hợp này phải có biên bản cuộc họp cán bộ lão thành, cán bộ kháng chiến đã từng chứng kiến vụ việc cùng lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương hiện tại, xác nhận đầy đủ thành tích của từng đối tượng đề nghị khen. Biên bản này phải lập thành 4 bản, lưu ở xã (phường), ở huyện (quận), ở tình (thành phố) và gửi 1 bản kèm theo tờ trình Chính phủ. Đương nhiên, nội dung xác nhận trong biên bản phải đúng với lịch sử cách mạng của địa phương.
c. Những trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt trong lực lượng vũ trang nói trong điểm c của Chỉ thị là các trường hợp hoạt động bí mật, hiện tại không thể làm thủ tục trình khen thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an nắm danh sách, đề xuất phương thức và trình Chính phủ (qua Viện thi đua - Khen thưởng Nhà nước) vào thời điểm thích hợp.
g. Những trường hợp có đủ tiêu chuẩn khen thưởng nhng còn có những vướng mắc do lịch sử để lại nói trong mục g (điểm 3) của Chỉ thị là các trường hợp có liên quan đến oan sai trong cải cách ruộng đất. Về việc này các văn bản trước đây của Chính phủ đã nói cách giải quyết, nay Viện xin nhắc lại:
- Đối với cán bộ là địa chủ kháng chiến: Điểm 8, phần các điều kiện khen thưởng trong mục III Thông tư số 15/TTg ngày 12 tháng 01 năm 1961 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Pháp đã ghi rõ: “Những người có đủ tiêu chuẩn để được khen thưởng mà là địa chủ kháng chiến, nếu đã được đổi thành phần thì được xét khen thưởng”.
Như vậy, các trường hợp đã được hạn thành phần đều nằm trong diện xét khen thưởng. Nếu vì bị quy oan mà phải nghỉ công tác thì thời gian nghỉ được coi như vẫn liên tục công tác với chức vụ trước lúc bị quy oan (Thông tư số 16/TTg ngày 12 tháng 01 năm 1961 hướng dẫn một số điểm đặc biệt trong khen thưởng kháng chiến).
Qua thực tế xét duyệt, các địa phương phản ánh có nhiều trường hợp đã được hạ thành phần nhưng không có quyết định bằng văn bản trao cho gia đình do vậy nay không có giấy tờ để chứng minh điều đó. Với những trường hợp này, Đảng uỷ và chính quyền địa phương họp với cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt các thời kỳ để xác minh, nếu đúng thì có biên bản xác nhận rõ ràng và đề nghị cấp trên xem xét giải quyết khen thưởng theo tiêu chuẩn, nếu không đúng thì giải thích lại cho dân thông suốt.
Trên đây là một số nội dung chính Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước giải thích, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 26/2003/CT-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương khẩn trương triển khai, bảo đảm thời hạn hoàn thành theo quy định trong Chỉ thị.
|
VIỆN
TRƯỞNG VIỆN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG NHÀ NƯỚC |