Hướng dẫn 1018/BYT-TT-KT triển khai hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe năm 2014 của Bộ y tế

Số hiệu 1018/BYT-TT-KT
Ngày ban hành 10/03/2014
Ngày có hiệu lực 10/03/2014
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1018/BYT-TT-KT
V/v hướng dẫn hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ năm 2014

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện chương trình công tác năm 2014, Bộ Y tế hướng dẫn các Vụ, Cục, Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các đơn vị) tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ năm 2014 với các nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

A. Mục tiêu chung

Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ nhằm tạo dư luận xã hội đồng thuận để các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mỗi người dân quan tâm, ủng hộ, cổ vũ, chia sẻ và tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Phát động các phong trào thi đua nâng cao ý thức, rèn luyện y đức, giáo dục truyền thống đạo đức nghề nghiệp hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2015), nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

B. Mục tiêu cụ thể

1. Tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các chính của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác y tế, ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân và thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.

2. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để người dân và cộng đồng chủ động phòng chống dịch bệnh; ủng hộ và tham gia phong trào vệ sinh yêu nước - nâng cao sức khoẻ nhân dân, an toàn thực phẩm, người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, giảm quá tải bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình…

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; thực hiện tốt quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; định hướng, chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho các cơ quan báo chí nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ và tham gia của lãnh đạo các cấp, toàn xã hội và mỗi người dân đối với các hoạt động của ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

4. Kết hợp tuyên truyền giáo dục với những việc làm thiết thực nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ y tế. Xây dựng các phong trào thi đua rèn luyện y đức, chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; thực hiện tốt quy tắc đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành y tế. Biểu dương những gương người tốt việc tốt, những mô hình hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

5. Quảng bá những kết quả, thành tựu và tiến bộ y học trong tất cả các lĩnh vực của ngành y tế Việt Nam đến người dân và cộng đồng; tiếp tục khẳng định và tạo dựng niềm tin với ngành y tế, góp phần củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân và đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

II. GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

A. Giải pháp

1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

2. Chủ động gắn kết công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép thực hiện các chính sách chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân với phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hoá và các phong trào, cuộc vận động khác đang được triển khai.

3. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa trung ương với địa phương, địa phương với địa phương , giữa các ban, ngành, đoàn thể trên cùng một địa bàn và giữa các đơn vị của ngành y tế để tạo được sự thống nhất trong tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.

4. Phát huy vai trò chủ động của hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông tại Trung ương và địa phương; huy động sự chủ động, tích cực tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và nhân dân trong triển khai thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ.

5. Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe sâu rộng, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng. Sử dụng đồng bộ các phương tiện thông tin, kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích.

6. Phát động các phong trào thi đua trong ngành y tế với nội dung và hình thức phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương, đơn vị; biểu dương và khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

7. Củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về truyền thông giáo dục sức khỏe, kỹ năng cung cấp thông tin, truyền thông và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ các cấp, đặc biệt là cán bộ truyền thông tuyến cơ sở.

8. Tăng cường đầu tư nguồn lực, chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ thực hiện các nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khoẻ. Đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, quản lý, giám sát và đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra.

B. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác và nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế để xây dựng các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ với mục tiêu, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền cụ thể qua các phương tiện (đài phát thanh, đài truyền hình, báo viết, báo điện tử), qua truyền thông trực tiếp (các hội thi, hội diễn, nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm…), qua các loại hình văn hoá, văn nghệ quần chúng (tranh cổ động, sách, bảo, bản tin, tờ rơi, tờ gấp…; tiểu phẩm, kịch, ca múa nhạc…) nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực của việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; về ý thức, trách nhiệm hưởng ứng, ủng hộ, chia sẻ và tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

2. Tổ chức các sự kiện, chiến dịch, hoạt động truyền thông chuyển tải trên các kênh truyền thông đại chúng từ trung ương đến cơ sở và kênh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế như các vấn đề đạo đức nghề nghiệp, giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế toàn dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình, phòng, chống bệnh, dịch, an toàn thực phẩm, người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam; tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2015).

3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm cấp Trung ương, cấp tỉnh về các vấn đề đạo đức nghề nghiệp, giảm tải bệnh viện, bảo hiểm y tế toàn dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình, phòng, chống bệnh, dịch, vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, an toàn thực phẩm, người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt.

4. Triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép với các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại các cụm dân cư, đặc biệt là nhân dân các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biển, đảo và ven biển và các vùng khó khăn.

[...]