Hướng dẫn 09/HD-VKSTC về định hướng Chương trình công tác thanh tra năm 2023 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 09/HD-VKSTC
Ngày ban hành 13/01/2023
Ngày có hiệu lực 13/01/2023
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hải Trâm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2023

 

ĐỊNH HƯỚNG

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC THANH TRA NĂM 2023

Năm 2023, thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - Kỷ cương, liêm chính - Bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, trước hết là từ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cá c cấp Kiểm sát; chủ động, kịp thời phát hiện, đề ra các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, biểu hiện tiêu cực trong nội bộ đơn vị và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được xác định là một trong những biện pháp quan trọng của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp, thông qua kết quả thanh tra để chủ động phòng ngừa; chú trọng thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, xác định những khâu, lĩnh vực công tác của đơn vị còn hạn chế để tiến hành thanh tra tìm ra nguyên nhân để đề ra biện pháp giải quyết ; lấy chất lượng cuộc thanh tra làm trọng, không xem số lượng các cuộc thanh tra là thành tích . Đơn vị nào, người đứng đầu chủ động phát hiện vi phạm, tiến hành thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm vi phạm thì căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm được ngăn chặn, khắc phục, không đánh giá vào thành tích thi đua của đơn vị. Nếu thông qua thanh tra, kiểm tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó. Các đơn vị Thanh tra trong toàn Ngành chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra để bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

1. Công tác thanh tra theo kế hoạch

Thanh tra toàn diện các lĩnh vực công tác, trong đó chú trọng: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp Kiểm sát, Thủ trưởng các đơn vị; công tác tổ chức cán bộ, thi đua - khen thưởng; công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản (chú trọng việc thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật) hoặc đơn vị nội bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, có nhiều vi phạm xảy ra để tiến hành thanh tra. Ngoài ra, thanh tra theo kế hoạch bảo đảm các đơn vị trực thuộc đều được tiến hành thanh tra luân phiên; thông qua đó đánh giá được các đơn vị làm tốt, các đơn vị còn yếu kém. Kết thúc các cuộc thanh tra, ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong Ngành và trong đơn vị.

Chỉ tiêu:

- Đối với Thanh tra VKSND tối cao tiến hành thanh tra từ 04 cuộc trở lên.

- Đối với VKSND cấp cao tiến hành thanh tra từ 01 cuộc trở lên.

- Đối với VKSND cấp tỉnh: tỉnh có dưới 10 đơn vị cấp huyện tiến hành thanh tra từ 02 cuộc trở lên; tỉnh có từ 10 đơn vị cấp huyện trở lên tiến hành thanh tra từ 03 cuộc trở lên.

2. Công tác thanh tra đột xuất

Tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống; đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài; có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhằm kịp thời làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để xảy ra vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm đạo đức, lối sống.

Chỉ tiêu: Khi có căn cứ để tiến hành thanh tra đột xuất

3. Công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ

Duy trì kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong Ngành theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TTr ngày 31/3/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân; Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân và Văn bản số 253/VKSTC-T1 ngày 25/01/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, việc chấp hành chế độ trực nghiệp vụ, việc thực hiện quy định về sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân.

Chỉ tiêu: Tiến hành kiểm tra thường xuyên, hằng Quý tổng hợp kết quả kiểm tra để ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

4. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó lưu ý các khiếu nại, tố cáo do cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến; vụ việc dư luận, báo chí phản ánh, lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo, đơn tố cáo vi phạm về đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành. Đối với đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung phản ánh về người, vụ việc cụ thể, có căn cứ thì Thanh tra kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm hoặc yêu cầu lãnh đạo đơn vị có công chức, viên chức, người lao động bị tố cáo tiến hành kiểm tra và báo cáo bằng văn bản. Thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật, tránh để đơn thư khiếu nại vượt cấp. Xử lý nghiêm người có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan.

Chỉ tiêu: Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt từ 90% trở lên.

5. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thường xuyên cập nhật, tham mưu quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định mới của Đảng, Nhà nước, của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa theo Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chu yển đổi số nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giám sát nội bộ nhằm phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đề xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Chỉ tiêu: Thực hiện từ 02 cuộc kiểm tra trở lên.

6. Công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra

Thanh tra VKSND các cấp phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại do đơn vị ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến; đảm bảo các kết luận, quyết định được thực hiện nghiêm, đúng quy định.

Chỉ tiêu: Thực hiện từ 02 cuộc kiểm tra trở lên.

7. Tổ chức thực hiện

Thanh tra VKSND các cấp tham mưu Viện trưởng xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra và Chương trình công tác của đơn vị, gửi về VKSND tối cao (qua Thanh tra VKSND tối cao trước ngày 20/01/2023) để tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương trao đổi với Thanh tra VKSND tối cao để phối hợp giải quyết./.

 

[...]