Hướng dẫn 09/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 09/HD-VKSTC
Ngày ban hành 06/01/2020
Ngày có hiệu lực 06/01/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hồ Đức Anh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ HÌNH SỰ NĂM 2020

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 về Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 cần tập trung những nội dung trọng tâm sau:

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự được nêu tại mục 2, Điều 2, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, Tòa án nhân dân, công tác thi hành án.

- Làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thuộc phạm vi công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự theo yêu cầu của các chỉ thị chuyên đề, chỉ thị công tác năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự năm 2019 của địa phương, đơn vị mình.

- Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự

- Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần hỏi, nội dung tranh luận và đối đáp, các tình huống tố tụng có thể phát sinh tại phiên tòa.

- Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án, các vấn đề mới phát sinh (nếu có), xác định các nội dung liên quan để định hướng tranh luận, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Khắc phục tình trạng Kiểm sát viên tranh luận, đối đáp với luật sư không triệt để, đầy đủ và người tham gia tố tụng; triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình tranh tụng; chủ động xử lý tốt các tình huống người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu mới, bảo đảm quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát thuyết phục, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

- Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên tiếp tục kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện vi phạm pháp luật (nếu có), chú ý đối chiếu nội dung bản án và nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử tại phòng xử án bảo đảm tính thống nhất, công khai và đúng quy định của pháp luật; kiên quyết kháng nghị hoặc đề xuất kháng nghị phúc thẩm khi có căn cứ.

- Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, Lãnh đạo Viện cần chú ý lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm kiểm sát xét xử và kỹ năng xử lý tình huống trực tiếp tham gia phiên tòa; với những vụ án Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra sau đó phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cần thực hiện cơ chế biệt phái Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc cùng Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

- Hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm được thiết lập đầy đủ, đúng quy định của Ngành, phản ánh đầy đủ, rõ ràng thao tác nghiệp vụ, quản lý của Kiểm sát viên và Lãnh đạo Viện.

- Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự như công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa , thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án”…

2.2. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự

- Lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm chắc phạm vi, nội dung kháng cáo của người tham gia tố tụng, kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đặc biệt là phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị; chuẩn bị tốt bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, dự kiến nội dung cần tiếp tục tranh tụng làm rõ để cập nhật vào nội dung phát biểu về kháng cáo, kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

- Chú ý cập nhật, đánh giá những tình tiết mới phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị để có quan điểm phù hợp, đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung liên quan đến kháng nghị phúc thẩm (nếu có) trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm.

- Đối với vụ án có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên có thể trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề nêu trong kháng nghị để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát hoặc thống nhất tối đa về hướng xử lý đối với kháng nghị phúc thẩm và việc giải quyết vụ án, bảo đảm tính thuyết phục, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

- Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần ưu tiên Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, án có kháng nghị phúc thẩm, án đã bị hủy để điều tra, xét xử lại…

- Sau phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần báo cáo ngay với Viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có những thiếu sót, vi phạm trong quá trình truy tố, xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần ban hành thông báo rút kinh nghiệm kịp thời nhằm chấn chỉnh những sai sót, nâng chất lượng công tác này cho Viện kiểm sát cấp dưới.

2.3. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm các vụ án hình sự

- Xử lý, giải quyết 100% đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành (Quyết định số 201/QĐ-VKSTC ngày 20/5/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự); không để xảy ra trường hợp đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bị tồn đọng, kéo dài hoặc quá hạn luật định; kiên quyết kháng nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quan điểm truy tố có căn cứ, đúng quy định pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cần chú trọng quản lý tốt việc gửi bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới và Viện kiểm sát cấp dưới theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế của Ngành; chủ động kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện vi phạm và kiên quyết kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ.

- Thường xuyên tổng kết thực tiễn, ban hành thông báo rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện; chú ý đánh giá chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, chất lượng đề nghị kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới.

- Khi có yêu cầu, Viện kiểm sát cấp cao phối hợp, cung cấp hồ sơ kiểm sát và các tài liệu tố tụng liên quan cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đặc biệt đối với bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và áp dụng pháp luật, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

2.4. Công tác kháng nghị, kiến nghị

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ