Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hướng dẫn 07/VKSTC-V4 công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù năm 2004 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 07/VKSTC-V4
Ngày ban hành 19/01/2004
Ngày có hiệu lực 19/01/2004
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hoàng Thế
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VKSTC-V4

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, QUẢN LÝ VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ NĂM 2004

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Thực hiện chương VI Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quán triệt tinh thần và nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Thực hiện Chỉ thị số: 07/2003/CT-VKSTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của Ngành kiểm sát nhân dân năm 2004.

Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù năm 2004 toàn ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

I/ Kiểm sát nhằm bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật.

1, Về kiểm sát việc tạm giữ.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị bắt, tạm giữ, xử lý. Mọi trường hợp bị tạm giữ phải có lệnh tạm giữ đang còn hiệu lực của người và cơ quan có thẩm quyền. Phân tích rõ số người bị tạm giữ bị bắt trong trường hợp nào ( trường hợp khẩn cấp? phạm tội quả tang? hoặc bắt theo quyết định truy nã, tự thú). Thống kê và báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên Trực tiếp các trường hợp sau: Viện kiểm sát nhân dân quyết định không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, quyết định không phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giữ, các trường hợp quá hạn tạm giữ, việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết .v.v.. Điểm đáng lưu ý: Từ ngày 1/7/2004 Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải kiểm sát chặt chẽ quy định “ người thi hành quyết định tạm giữ” phải có trách nhiệm “giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ” theo BLTTHS mới sửa đổi. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ phải thể hiện bằng biên bản được lưu trong hồ sơ tạm giữ của họ.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ quá trình xử lý các trường hợp bị tạm giữ như khởi tố bị can ( chuyển tạm giam, ADBPNCK); không khởi tố bị can trả tự do. Các trường hợp không khởi tố trả tự do, cần phân tích có bao nhiêu trường hợp chuyển xử lý hành chính, bao nhiêu trường hợp trả tự do: Cơ quan điều tra trả tự do: ? VKS trả tự do: ? các trường hợp do Viện kiểm sát nhân dân trả tự do phải có danh sách trích ngang từng trường hợp một để báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

Đối với các trường hợp bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật, kiểm sát viên phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, phải xem xét thận trọng từng trường hợp cụ thể báo cáo Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

2, Về kiểm sát tạm giam

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị tạm giam trong các giai đoạn tố tụng hình sự, bảo đảm mọi trường hợp đưa vào tạm giam phải có lệnh tạm giam đang còn hiệu lực của người và cơ quan có thẩm quyền, thủ tục hồ sơ của người bị tạm giam ở nơi giam giữ phải đảm bảo đầy đủ theo quy định của pháp luật; nhằm không để xẩy ra việc quá hạn tạm giam. Phối hợp chặt chẽ với kiểm sát điều tra nhằm chấm dứt việc quá hạn tạm giam thuộc Viện kiểm sát. Các trường hợp quá hạn tạm giam thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và Toà án phải kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Phối hợp với Kiểm sát điều tra chủ động thống kê và báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp các trường hợp Viện kiểm sát nhân dân quyết định không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam, quyết định không gia hạn tạm giam.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý nắm chắc quá trình giải quyết đối với người bị tạm giam trong các giai đoạn tố tụng hình sự. Thống kê cụ thể số người được cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vì không có tội, VKS đình chỉ không tội, Toà án xét xử tuyên không phạm tội. Toà án xét xử không phạt tù giam ( án treo, cải tạo không giam giữ, thời gian tạm giam bằng án sơ thẩm) Xác minh các trường hợp tạm giam trái pháp luật để tham mưu cho Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Các trường hợp này đều phải lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị kết án tù đang bị giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, nắm chắc các trường hợp : án chưa có hiệu lực pháp luật? án đã có hiệu lực pháp luật chưa đưa đi trại giam, (phân tích các trường hợp thiếu thủ tục thi hành án thuộc trách nhiệm Toà án, Công an) để kiến nghị yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thành thủ tục thi hành án để chuyển ngay số án có hiệu lực pháp luật đi trại giam theo đúng Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Nhằm khắc phục sự “ quá tải” ở các trại tạm giam, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án.

Đối với các trường hợp có kháng cáo, kháng nghị, kiểm sát viên phải yêu cầu trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam phải gửi ngay tới Toà án đã xét xử sơ thẩm để chuyển hồ sơ lên cấp phúc thẩm xem xét và quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.

Đối với số bị cáo Toà án tuyên phạt tử hình phải lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để quản lý. Phân tích rõ : Số bị án đã được giải quyết như đã thi hành án tử hình, số bị án được ân giảm xuống chung thân và số án phạt tử hình xử xuống chung thân, số trốn, số chết, số còn lại chưa giải quyết. Trong số chưa giải quyết yêu cầu phân tích tiếp ở từng giai đoạn số chờ xét xử phúc thẩm, Giám đốc thẩm, số bị án đang chờ Toà án, Viện kiểm sát xem xét trước khi trình Chủ tịch nước, số bị án đã có quyết định bác đơn của Chủ tịch nước, số bị án chờ thi hành án tử hình và số bị án đã có tờ trình lên Chủ tịch nước, xem xét theo quy định của pháp luật)

Kiểm sát chặt chẽ công tác quản lý giam giữ, ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam, nhằm khắc phục tình trạng người bị tạm giữ và người bị tạm giam, giam giữ chung trong cùng một buồng, yêu cầu Ban giám thị phải phân loại và bố trí giam giữ theo đúng quy định tại điều 15 Quy chế về tạm giữ, tạm giam. Góp phần hạn chế việc thông cung, liên lạc phục vụ tốt cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Yêu cầu Ban giám thị chấm dứt việc cho người bị tạm giữ, tạm giam ra lao động ( làm vệ sinh) không đúng quy định trong quy chế về tạm giữ, tạm giam.

3, Về kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù trong các trại giam, phân trại giam thuộc trại tạm giam.

Kiểm sát chặt chẽ thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, phân trại giam để chấp hành án phạt tù theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế trại giam.

Kiểm sát chặt chẽ công tác quản lý, giam giữ phạm nhân của Ban Giám thị trại, nhằm đảm bảo việc phân loại, nâng hạ loại và tổ chức giam giữ phạm nhân theo loại theo đúng quyết định số 919/2002/QĐ - BCA ( V26) ngày 01/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an. Trên cơ sở đó yêu cầu, Ban giám thị trại phải có 1 kế hoạch quản lý, giáo dục, thực hiện pháp luật, chính sách về ăn, ở, khám chữa bệnh, tổ chức lao động học nghề cho phù hợp. Góp phần hạn chế tới mức thấp nhất việc vi phạm quy chế , nội quy trại giam, trốn trại, phạm tội mới ở trại giam, phân trại giam.

Kiểm sát chặt chẽ công tác giáo dục phạm nhân, nhằm đảm bảo 100% số phạm nhân sau khi vào trại giam, phân trại giam chấp hành án phạt tù phải được học tập đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật nhà nước, tổ chức dạy văn hoá xoá mù cho phạm nhân.

Kiểm sát chặt chẽ quá trình tổ chức lao động sản xuất cho phạm nhân, việc dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân có kết quả và mang ý nghĩa giáo dục thiết thực.

Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện “4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù” và “Quy định xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù” cho phạm nhân theo tinh thần quyết định số: 1269/2002/QĐ - BCA ( V26) ngày 17/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an. Phát hiện kịp thời các vi phạm trong việc nhận xét, đánh giá, xếp loại cải tạo hàng tháng, quý, 6 tháng, năm của phạm nhân để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Kiểm sát chặt chẽ việc đề nghị và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân, bảo đảm việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các địa phương cần thẩm định đối chiếu giữa hồ sơ giảm hạn tù với hồ sơ quản lý giáo dục đối với phạm nhân ở trại giam. Phát hiện kịp thời các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét giảm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Phát hiện kịp thời các trường hợp phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt ( không bị giam giữ về tội khác) mà chưa được trả tự do. Kiểm sát viên phải lấy lời khai của đối tượng, sao kèm bản án báo cáo Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

Trong quá trình kiểm sát trực tiếp tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, hàng quý VKS phải nắm cụ thể số các cháu nhỏ theo mẹ vào trại. Ghi rõ họ tên, tuổi, các cháu, tên cha mẹ đang bị giam giữ, đang thi hành bản án phạt tù... báo cáo về Vụ 4 Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

II/ Kiểm sát nhằm đảm bảo chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ về ăn, ở, mặc, phòng chữa bệnh, chế độ thăm gặp thân nhân, nhận quà, chế độ tiếp nhận đơn thư, chuyển đơn thư của người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật.

[...]